Không thể ngang với nghị quyết Quốc hội
Sáng 12/8, tại phiên họp 36, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Một trong những điểm mới được cơ quan Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung vào luật lần này là được xem xét, quyết định việc có thực hiện kiểm toán hay không khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng thay vì “thực hiện theo yêu cầu” như hiện nay. Cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với đề xuất của Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm nguồn lực và chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được quyết định.
Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu: Kiểm toán Nhà nước có phải làm theo yêu cầu đột xuất của Chính phủ, Thủ tướng không, nếu yêu cầu đó không nằm trong kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt? Theo ông Lưu, yêu cầu, đề nghị kiểm toán thì có thể mở rộng cho các chủ thể, còn việc có thực hiện hay không thì phải theo kế hoạch nên đề nghị đó phải được bổ sung trong kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, theo luật hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng được yêu cầu Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán, nhưng cần xem lại để quy định trong luật này. Trong thực tế, khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu thì Kiểm toán Nhà nước không thể từ chối, nhưng bà Ngân đề nghị phải xem lại thẩm quyền vì “không thể ngang với nghị quyết của Quốc hội”.
“Yêu cầu kiểm toán là nhu cầu chính đáng vì trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý, Chính phủ, Thủ tướng phát hiện có những vấn đề cần phải kiểm toán. Tuy nhiên, phải có cơ chế thế nào để đưa vào luật, vì nếu không ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán. Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước thì nghị quyết của Quốc hội thế nào? Kiểm toán Nhà nước trước hết phải thực hiện nghị quyết của Quốc hội, còn yêu cầu của các cơ quan khác thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc này chứ không phải ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán làm cái này, cái kia”, bà Ngân nhấn mạnh.
Cần “trọng tài” khi phát sinh chồng chéo
Thẩm tra dự án luật, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra. Cùng với đó cần bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước. Đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật Kiểm toán Nhà nước được nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW, đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và Kiểm toán Nhà nước vẫn diễn ra, chưa khắc phục được.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề, ai điều hoà khi có sự chồng chéo giữa hai cơ quan này? Theo bà Phóng, đây là thẩm quyền của Quốc hội, do đó, cần có quy định phù hợp để hai cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo luật giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để giải quyết sự chồng chéo này, trước hết Luật Kiểm toán Nhà nước phải minh định cái gì kiểm toán phải làm. Bên cạnh đó, trong thực tế vấn đề nào còn vướng mắc thì hai bên thực hiện theo cơ chế phối hợp, trường hợp không giải quyết được thì báo cáo lên cấp cao hơn. Ông Lưu cũng đồng tình với một số quan điểm đề nghị lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hàng năm làm chuẩn, các cơ quan khác căn cứ vào đó mà thực hiện để tránh chồng chéo.
Trước thực trạng các địa phương phản ánh về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần một “trọng tài” giải quyết khi phát sinh sự chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra.
Trách nhiệm kiểm toán ra sao khi bỏ lọt tham nhũng
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo cần đề cập đến trách nhiệm của đoàn thanh tra, kiểm toán khi đã vào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện ra vi phạm. Rồi sau này cơ quan điều tra lại phát hiện sai phạm về cùng một nội dung. Dẫn chứng câu chuyện 11 đoàn thanh, kiểm tra vào nhưng không phát hiện sai phạm ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), bà Nga cho rằng nếu sau này cơ quan điều tra phát hiện ra thì những người đã vào thanh tra, kiểm toán mà không chịu trách nhiệm gì là không đúng.
“Phải cụ thể hóa quy định phòng chống tham nhũng trong Luật Kiểm toán Nhà nước nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và chống tham nhũng trong chính cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng”, bà Nga nói.
Một nội dung khác được sửa đổi là luật cho phép Kiểm toán Nhà nước trong quá trình kiểm toán có quyền truy cập phần mềm dữ liệu đơn vị chịu sự kiểm toán. Nêu quan điểm về thẩm quyền này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lưu ý cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này, bởi việc truy cập vào phần mềm của các cơ quan có thể phạm đến bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng truy cập vào các phần mềm quản lý nội bộ là vấn đề cần quy định rõ.
“Trong trường hợp phát hiện có sai phạm như trốn thuế, Kiểm toán Nhà nước có quyền truy cập vào phần mềm nội bộ của họ, nhưng phải quy định quyền truy cập đến đâu và thời điểm nào, chứ không thể có quyền truy cập thường xuyên, làm ảnh hưởng đến nhân quyền, quyền công dân của họ”, ông Hiển nói và đề nghị quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định truy cập dữ liệu và chỉ được truy cập trong các trường hợp liên quan đến nội dung vụ việc đang được kiểm toán.
“Kiểm toán Nhà nước trước hết phải thực hiện nghị quyết của Quốc hội, còn yêu cầu của các cơ quan khác thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc này chứ không phải ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán làm cái này, cái kia”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân