Chủ tịch nước trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Belarus

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Belarus.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay Quốc tế Minsk. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

- Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Belarus, xin Ngài Chủ tịch cho biết những thành tựu mà hai nước đã đạt được thời gian qua?

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tôi rất vui mừng tới thăm đất nước Belarus tươi đẹp lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2017). Việt Nam và Belarus có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp. 

Từ nhiều năm qua, những tình cảm sâu sắc, chân thành đối với đất nước, con người Belarus đã in đậm trong ký ức các thế hệ người Việt Nam. Hàng nghìn thanh niên Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu tại Belarus trước đây. Những gắn kết từ lịch sử là nền tảng quý báu cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển như ngày nay. 

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Belarus có độ tin cậy cao. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đăc biệt là các đoàn cấp cao, nổi bật là chuyến thăm Belarus của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2014, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong các năm 1997, 2008 và 2015. 

Hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết. Cùng với đó, Việt Nam và Belarus duy trì các cơ chế hợp tác như Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ. 

Hợp tác kinh tế-thương mại được thúc đẩy cả về quy mô và chất lượng. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt gần 100 triệu USD. Nhiều văn bản quan trọng được ký kết và phê chuẩn như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Nghị định thư Việt Nam-Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam đang mở ra triển vọng tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước. Việc phát huy thế mạnh nổi bật của Belarus trong ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, hợp tác thương mại đơn thuần giữa hai nước đang có xu hướng dịch chuyển sang hợp tác sản xuất, lắp ráp công nghiệp như Công ty cổ phần Nhà máy ôtô Minsk (MAZ) hợp tác với các đối tác Việt Nam để lắp ráp xe tải, xe buýt, máy kéo cho Việt Nam. 

Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, lao động, văn hóa, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước phát triển tích cực. Công dân Belarus được tạo điều kiện thuận lợi khi đến làm việc, du lịch tại Việt Nam. Hai bên đang triển khai Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2016-2018, theo đó, năm 2016, lượng khách du lịch Belarus đã tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Belarus cũng nằm trong số 40 nước được Việt Nam thực hiện chương trình thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng từ ngày 1/2/2017. 

Mới đây, tháng 5/2017, Những ngày văn hóa Belarus đã được tổ chức thành công tại Hà Nội và tỉnh Sơn La mang hình ảnh đất nước tươi đẹp, con người Belarus thân thiện, mến khách đến với người dân Việt Nam. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại diện Hội hữu nghị Belarus-Việt Nam và Đại diện Cựu chiến binh Belarus đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và công tác tại Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
- Xin Ngài Chủ tịch cho biết đánh giá của Ngài về triển vọng hợp tác Việt Nam-Belarus trong thời gian tới? 

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Quan hệ Việt Nam-Belarus có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc, sự tin cậy chính trị và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước, những kết quả hợp tác tích cực đạt được trong thời gian qua là cơ sở vững chắc để đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. 

Các thỏa thuận quan trọng được ký kết và đã có hiệu lực trong lĩnh vực kinh tế-thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EAEU và Nghị định thư Việt Nam-Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam sẽ tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước. 

Hai bên đang tích cực triển khai dự án Liên doanh lắp ráp, sản xuất xe tải giữa Công ty cổ phần MAZ và Công ty cổ phần Âu Việt. Đây là liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Belarus, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2017. 

Với tiềm năng to lớn trong lĩnh vực sản xuất phương tiện vận tải vốn là thế mạnh của Belarus, hợp tác giữa các doanh nghiệp Belarus, đặc biệt là MAZ, với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này tiếp tục được mở rộng. 

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh, nhất là trong việc xuất khẩu nông sản và liên doanh chế biến nông sản. 

Hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học-công nghệ trong khuôn khổ Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ, trên cơ sở lộ trình phát triển hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus giai đoạn 2016-2020, các thỏa thuận đã ký kết trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng...

Cùng với việc tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, thông tin-truyền thông, hai nước sẽ mở rộng hợp tác sang lĩnh vực tài nguyên-môi trường. 

Việt Nam ủng hộ và khuyến khích các địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp, chủ động đề xuất kế hoạch hợp tác cụ thể trên cơ sở các thỏa thuận đã ký nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở rộng trao đổi giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch và nghệ thuật, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại. 

- Xin Ngài Chủ tịch cho biết ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EAEU trong việc phát triển kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Belarus? 

- Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EAEU mang đến cơ hội quý báu, một không gian mới để phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Belarus. Về tổng thể, hai bên đã cam kết dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Mức ưu đãi thuế quan mà hai bên dành cho nhau cho phép Việt Nam và Belarus tăng khối lượng xuất khẩu sang thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng chủ lực (với Việt Nam là các sản phẩm dệt may, da giày, nông, thủy sản; với Belarus là các mặt hàng công nghiệp như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, linh kiện phụ tùng ôtô). Cân bằng hơn cán cân thương mại song phương và đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, hai nước có thể nghiên cứu thành lập liên doanh sản xuất, chế biến phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi bên, tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào được nhập từ thị trường của nhau nhằm tranh thủ những ưu đãi của Hiệp định. 

Việt Nam sẽ nỗ lực để Belarus và các nước EAEU mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Cộng đồng ASEAN - một thị trường thống nhất, phát triển năng động với trên 600 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD. 

Tôi tin tưởng phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam và Belarus sẽ cùng nắm bắt tốt nhất những cơ hội mới, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo Theo TTXVN