Chữ thừa

TP - Có một người từng làm đối ngoại và làm báo nên rất lưu tâm đến chữ nghĩa. Thông thạo tiếng Pháp và tiếng Trung, ông cho rằng nhà văn nhà báo Việt Nam nên biết ít nhất tiếng Trung và một thứ tiếng phương Tây. Biết ngôn ngữ Hán Việt để không viết thừa. Biết một ngôn ngữ phương Tây để có điều kiện so sánh văn phạm. Đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, ông thường có quán tính biên tập luôn, chúng tôi trêu rằng ông cãi nhau với đài.
Minh họa: Kim Duẩn

Những ngôn từ kiểu này thường được ông tức thời chỉnh lại:


- Tái sinh lại, tái hiện lại, tái diễn lại, tái bản lại, phục chế lại… Hoặc như ở trong một cuốn sách: khi đã hồi phục lại, bà đi xuống (Kẻ trộm sách, tr. 330)... Thêm chữ Lại, sự việc sẽ lặp lại đến lần thứ ba chứ không phải là hai lần. 

- Tối ưu nhất, tối đa nhất, tối kỵ nhất, cực kỳ tối mật… Đã tối là đến tận cùng rồi, lại còn nhất hoặc cực kỳ nữa thì đúng là hết ý… nhất.

- Đặc thù riêng, hoặc: Mỗi tình huống nêu trên đều có cái nhìn đặc trưng riêng của nó (Tên của khí trời, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, tr. 40). Người dịch hãy thản nhiên mà thôi chữ Riêng đi, tiếc nuối làm gì.

- Người họa sĩ (Một cuộc gặp gỡ, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn Học 2013), nhà họa sĩ (Tên tôi là đỏ, Phạm Viêm Phương dịch, NXB Văn Học 2007), nhà học giả (Tên của khí trời, tr. 41, 42, 43), nhà triết gia (Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar…), hoặc nhà doanh nhân, người nghệ sĩ... Những từ này đều thừa chữ nhà hoặc chữ người. Đã thành quen, đã vào thơ và ca hát véo von: Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố… Tôi đoán rằng chúng cũng sẽ có ngày được vào từ điển.

- Lính bộ binh: binh đã là lính. Có thể tạm chấp nhận khi hàm ý đám lính của một quân chủng là bộ binh, phân biệt với lính hải quân chẳng hạn. Nhưng ai đọc cũng thấy ở đây người dùng chữ để thừa chữ. 

- Đạo giáo của chúng ta (Tên tôi là đỏ, NXB Văn Học 2007): giáo đã là đạo. Sao không nói luôn là tôn giáo cho chính xác.   

Chỗ bạn bè với nhau, chúng tôi thường tự cường điệu mà dùng những chữ thừa thãi như trên hoặc những cấu trúc câu khác thường. Đùa cho vui. Nhưng tuy nhiên. Đã nhưng lại còn tuy nhiên. Chuyện có thể đùa, như thể khó thành sự thật, nhưng hóa ra lại có người dùng thật. Thử chỉ ra trong một cuốn sách, cuốn Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch), ở đấy có cả những chữ mà ta đang bàn:

- Nhưng mặc dù vậy (tr.271). 

- Nhưng tuy nhiên (271). 

- Nhà nghệ sĩ (47)

- Ở bên trong nội tâm (287)   

- Cô gái trẻ (93) 

- Chàng trai trẻ (97).

Ở bên trong nội tâm, cũng quen dùng như thế là ở trong nội thành, trong nội bộ, ở ngoài ngoại ô. 

Đấy là nói chuyện viết thừa chữ, vì không hiểu nghĩa Hán Việt, hoặc quen dùng theo khẩu ngữ. Ở Anh - Mỹ cũng có chuyện này. Một nhà ngôn ngữ học người Anh chỉ ra rằng báo chí hay viết thừa, theo kiểu young girl, young boy. Đã boy và girl thì nhất định phải young, trừ trường hợp chơi chữ như tên một bộ phim Hàn Quốc: Old Boy, nghĩa là Thằng già. Viết gái trẻ, tức là hàm ý có gái già hay sao. Có, trường hợp đặc biệt này, người ta dành cho cô gái già một từ thật riêng: spinster.

Vậy tiếng Việt mà viết cô gái trẻ (Một cuộc gặp gỡ, NXB Văn Học 2013), chàng trai trẻ, anh thanh niên trẻ thì có khác gì young girl, young boy. Chữ trai trẻ hoặc trẻ trai cũng có thể dùng như một tính từ, nhưng cũng phải chọn danh từ đi với nó cho phù hợp, chứ còn chàng thì đã hàm ý trẻ trong ấy rồi.