Chu Lai: Bạo hành trẻ thơ là điều lịch sử loài người không chấp nhận

 “Những vụ bạo hành trẻ em vừa qua là một tiếng báo động rền vang. Phải xem lại bản chất của đạo lý, văn hoá và hệ giá trị trong đời sống này”, tác giả của “Ăn mày dĩ vãng” chia sẻ.

Những vụ bạo hành trẻ em gần đây đã dấy lên nhiều phẫn nộ trong mọi tầng lớp xã hội. Với tư cách một nhà văn, ông nhìn nhận như thế nào về sự xuống cấp của đạo đức và văn hoá ứng xử của con người qua những câu chuyện đau lòng này?

Thật sự rất kinh hoàng. Đây là một cú giật mình sâu thẳm không phải cho những người tử tế mà là cú giật mình ghê gớm đối với bản chất xã hội và với các nhà quản lý. Tại sao lại để cho văn hoá và đạo đức của loài người băng hoại đến thế?

Những câu chuyện vừa qua là một sự phi nhân hoàn toàn. Bạo hành trẻ thơ là một điều mà lịch sử loài người không bao giờ chấp nhận được. Nhưng tới mức có nghi án bà nội giết cháu thì nằm ngoài sức tưởng tượng của loài. Ngay cả thú vật cũng không ăn thịt con. Vậy thứ này là thứ gì?

Những vụ bạo hành trẻ em vừa qua là một tiếng báo động rền vang. Phải xem lại bản chất của đạo lý, văn hoá và hệ giá trị trong đời sống này. Xã hội bây giờ cứ rần rần ca ngợi các người đẹp, ca ngợi những nhân vật nổi tiếng, những sự kiện lớn lao… mà quên đi những sự băng hoại này thì không có tầng trên nào tồn tại được lâu dài.

Nhà văn Chu Lai trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Dân trí. Ảnh: Hà Tùng Long.

Theo ông, phải chăng chúng ta vẫn đang thiếu đi rất nhiều công cụ tuyên truyền, đặc biệt là các tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm đánh động lương tri con người, đánh động vào sự báo động của đạo đức – văn hoá – hệ giá trị đang xuống cấp trong xã hội?

Cái này là tội ác, là sự suy vi đến tận cùng về đạo đức con người chứ không chỉ đơn thuần là văn hoá ứng xử nữa. Văn hoá ứng xử có thể sáng trong, có thể lịch lãm, có thể vụng về… nhưng cái này là tội ác.

Tội ác này thực ra không phải bây giờ mới có mà trong nghìn năm phát triển của loài người đã có. Shakespear đã từng viết vở kịch “Hanlet” nói về chuyện em giết anh để đoạt ngai vàng và hoàng hậu. Nhưng ở Việt Nam mình, những tội ác này vẫn có. Đấy mới là căn bệnh trầm kha và nhức nhối.

Học trò đánh ghen, lột truồng nhau, cho keo vào chỗ kín. Vợ bạo lực với chồng, chồng hành hạ vợ mà lại nghiễm nhiên như là chuyện bình thường. Bà giết cháu vì mê tín dị đoan dù cháu bé còn đỏ hỏn. Cho nên, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật thì văn hoá nghệ thuật phải khơi dậy sức mạnh và góp tiếng nói thế nào đó để làm cho đạo lý này bừng tỉnh, trở về với quỹ đạo ban đầu.

Thời chiến tranh cả nước phải đối diện với khó khăn và sinh tử nhưng sao người ta sống đẹp thế. Con người lúc đó chỉ có cảm hứng là sống còn với non sông. Còn bây giờ chủ nghĩa vật chất như con quái thú lấn lướt tất cả, đánh vào từng trái tim, từng con người khiến cho tất cả đều hoang mang.

Không lên tiếng “SOS” báo động thì đạo đức xã hội sẽ suy vi ghê gớm. Sau này, nếu có chữa được thì một số người sẽ bị tàn tật, gù lưng, què quặt… Cho nên, chức năng của văn hoá - nghệ thuật lúc này cần can thiệp sâu vào. Mà can thiệp không phải bằng con chữ mà bằng tâm hồn, bằng những vở kịch, bộ phim, văn học…

Đến bây giờ trong văn học mà vẫn chỉ chăm chăm hướng đến tôn vinh chủ nghĩa anh hùng ca thì đã lạc lõng mất rồi. Phải đi sâu vào phân tích cái căn cốt, cái bản ngã của con người Việt Nam là cái gì mà để sau chiến tranh dằng dặc, sau thời bao cấp ảm đảm, sau thời thị trường ngưa ngửa… con người lại bộc lộ nhiều quái gỡ như thế. Điều đó đòi hỏi cả toàn xã hội phải biết giật mình, nếu không biết giật mình mà vô cảm thì đó là bi kịch của lịch sử.

Với cá nhân ông thì điều gì khiến cho con người bộc lộ nhiều điều quái gỡ như thế khi chiến tranh đã lùi xa, khó khăn đã giảm bớt…?

Cuộc tranh giành, vật lộn miếng ăn. Cuộc mưu sinh vật vã. Những thứ đó thường tạo nên những điều suy vi như thế. Tức là cái quý của tâm hồn, sự cao thượng của trái tim khi đất nước sinh tử trước ngoại xâm đã không còn tồn tại nữa. Mà những con người ưu tú thời đó vẫn đang phải vật mình, vật mẩy mưu sinh. Và từ những mưu sinh đó, cộng với âm hưởng - âm thanh từ khắp hành tinh tràn vào.

Thế giới phẳng với bao nhiêu ngọn gió đen - ngọn gió trắng mang đến cái độc cái hại mà không có bộ lọc về đạo lý, không có bộ lọc giá trị tinh thần thì con người ta sẽ bị chao đảo. Chao đảo mà không thể nào phân biệt được cái nào là trắng, cái nào là đen nữa. Mình đang đứng ở vũng đen mà cứ ngỡ mình đang trắng. Mình đang đứng một mình âm thầm mà không có lan toả.

Về phạm trù con người trong những lúc này là hết sức nhạy cảm. Một là để cho chủ nghĩa vật chất nuốt chửng mình hay là mình biết tách ra chiêm nghiệm. Cho nên sống chậm lại, sống suy nghĩ lại, sống trở về cõi tĩnh… là một trong những giải pháp quan trọng về tư duy.

Bây giờ, cứ lao ầm ầm đi kiếm miếng ăn, lao ầm ầm đi hưởng thụ… thế nhiều tệ nạn khó lòng chống được, phá huỷ cả tình yêu trai gái.

Các nhà quản lý xã hội, các cá thể sáng tạo văn học nghệ thuật và cá thể các công dân phải nghĩ mình nên làm gì đây nếu không sẽ chết không thể nhắm được mắt.

Trong khi những vấn đề bức xúc không lo giải quyết lại lo đến cải cách chữ viết. Bảo vệ nhau lung tung phèng hết cả lên. Cư dân mạng vừa rồi phẫn nộ ông PGS đề xuất cải cách chữ viết, theo tôi là điều đó không đáng để phẫn nộ như thế. Tôi chắc chắn họ đang bức xúc một cái gì đó nhưng nhân tiện cái này mới “xì hơi” ra như thế.

Theo Theo Dân trí