Ngày 10/4, tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho biết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược và 12 định hướng lớn, trong đó một định hướng rất quan trọng là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn trên thế giới cho thấy hầu hết các quốc gia tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển đều có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận một thực tế là ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới đòi hỏi phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp vật liệu và nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp vật liệu là điều kiện tất yếu để đảm bảo cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó cũng sẽ đáp ứng được những yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tham gia một cách chủ động, bền vững vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị chung của toàn cầu và thế giới”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng ngoài các cơ chế, chính sách đặc thù, điều then chốt là cần đổi mới quan điểm phát triển về công nghiệp. Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư về phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 càng đòi hỏi những nền tảng rất lớn là chúng ta cần phải có một hệ sinh thái công nghiệp.
“Chừng nào chúng ta chưa thật sự có quan điểm về ưu tiên phát triển công nghiệp hợp lý và bền vững, chưa có được sự quan tâm chung của cả xã hội với một hình thể mới của một hệ sinh thái công nghiệp thì chừng đó chúng ta còn gặp khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện những chính sách đồng bộ. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo tính tự chủ cho sản xuất công nghiệp, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, của các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp vật liệu”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, xác định vai trò, trách nhiệm tiên phong của mình trong việc thực hiện các công trình nghiên có hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, ĐHQG TPHCM chú trọng cách tiếp cận mới trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các mô hình đào tạo và nghiên cứu mới, hiện đại của thế giới.
Trong lĩnh vực khoa học vật liệu, ĐHQG TPHCM đã tiên phong triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu trong những năm qua. Quy mô đào tạo ngành khoa học vật liệu bậc đại học là khoảng 400 sinh viên/ năm; sau đại học mỗi năm khoảng hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh; chưa kể các ngành gần với khoa học vật liệu như: vật lý, hóa học, y sinh…
ĐHQG TPHCM cũng đã phối hợp với ĐH UCLA, ĐH Berkeley của Hoa Kỳ và các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu của Pháp tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Viện Công nghệ Nano; và đã đạt được nhiều kết quả tốt trong đào tạo và nghiên cứu về các vật liệu tiên tiến. Số lượng công bố khoa học hằng năm có xu hướng ngày càng tăng: đạt khoảng 250 bài báo/năm.