Chơi chợ vùng cao ở làng văn hóa

TP - Góc chợ vùng cao miền núi phía Bắc tái hiện ở không gian Làng Văn hóa du lịch các dân tộc (Đồng Mô), hấp dẫn hơn cả trong hàng loạt hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc VN 19-4.

Sáng 19-4 mới chính thức khai mạc, nhưng từ hôm trước cộng đồng Mông, Dao, Mường, Tày, Nùng đã trải bạt trên nền mấy gian chợ khu Làng 1, bày biện sản vật địa phương dù không nhiều nhưng độc đáo. Nào là mật ong rừng Hà Giang kết thành từng tảng lớn như đá ong. Lá thuốc, chè tươi vị thơm đặc trưng của dân tộc Dao Tiền ở bản Suối Lìn, tỉnh Sơn La. Từng bó lá thơm đun tắm, gội mềm tóc được các bà các chị xúm vào hỏi. Ngay gian bên cạnh một chị vừa bóc củ măng tươi vừa khen giá rẻ. Loại măng ngọt, củ trắng tinh mà chỉ 4 ngàn đồng.

Đúng chất chợ vùng cao: Phụ nữ mua mua bán bán, đàn ông gật gù bên bàn rượu. Ngay đầu khu chợ, gian hàng rộng của tỉnh Bắc Giang gợi sự tò mò của du khách. Bếp củi rừng rực bên cạnh chiếc nồi to nấu rượu dựng giữa trời. Rượu gạo đặc trưng, chảy từ nồi nấu sang lọ thủy tinh lớn qua ống dẫn. Phần này để trình diễn, rượu trữ hàng chục can xếp ngay ngắn đằng sau gian hàng. Khách có thể lựa những bình, hũ chuẩn bị sẵn, dán mác đặc sản rượu Lục Ngạn, Bắc Giang làm quà bên cạnh gói mì chũ vốn niềm tự hào đặc sản địa phương.

Ngay phía dưới, khách có thể sà xuống mấy chiếc bàn thưởng thức rượu từ Hà Giang xuống. Ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Cùng một công vận chuyển, chúng tôi chuẩn bị đủ rượu, ngựa nấu thắng cố và sản vật địa phương đủ phục vụ hơn nghìn du khách trong hai ngày diễn ra liên hoan”. Điểm lí thú là khách ngồi uống rượu có thể ngắm 100 bức ảnh cao nguyên đá Đồng Văn, phiên chợ vùng cao treo quanh gian hàng.

Phiên chợ vùng cao còn có thêm gian hàng giao lưu của cộng đồng các dân tộc TPHCM, nhưng có vẻ chìm trong không gian chợ vùng cao. Màu sắc miền núi phía Bắc đập vào mắt du khách là mảnh vải, bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ. Hợp tác xã Vọng Ngàn (Hòa Bình) có gian trưng bày, bán đồ chuyên thổ cẩm. Ví, túi xách, vải thổ cẩm trang trí đậm chất Mường. Đích thân Phó Chủ nhiệm HTX tay bán, miệng không ngớt giải thích rằng sản phẩm hoàn toàn truyền thống. Nói rồi tay bà chỉ lên mấy bức ảnh treo trên tường-bà Lan hướng dẫn phụ nữ trong HTX dệt vải.

Thổ cẩm Hòa Bình có thể đông khách mua hơn, nhưng gian hàng trình diễn dệt vải Hà Giang lại thu hút khách hỏi han. Bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh truyền thống Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang vừa se sợi lại sẵn sàng hát mấy làn điệu các bà các chị hát trong lúc tước sợi, dệt lanh. Một chiếc ví hình chữ nhật nhỏ làm từ vải lanh giá 50 ngàn đồng, nhưng chất lanh mềm, mát tay, họa tiết đúng chất truyền thống người Mông. Sản phẩm làm từ lanh đa dạng: khăn trải giường, vỏ gối, túi xách… lọt vào mắt xanh của nhiều khách sạn lớn, thậm chí có cả đơn hàng của Đại sứ quán Pháp, Mỹ.

Chợ vùng cao không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc. Nên dẫu chỉ tái hiện ở không gian lạ, sự sôi động của nó vẫn ăn đứt không khí triển lãm làng nghề truyền thống khai mạc sáng qua. Chỉ hơn 20 gian hàng lèo tèo: Bát Tràng, sơn mài, tranh Hàng Trống, tranh đá quý, thêu ren… chơ vơ giữa quảng trường Tây Nguyên mênh mông. Du khách Mỹ David C.Shinn chia sẻ, anh được bạn giới thiệu, rất háo hức lên Làng văn hóa. Sự kiện quy tụ nhiều cộng đồng khá thú vị, nhưng cách tổ chức còn sơ sài, chưa bắt mắt du khách.

Chuyển chức năng Làng văn hóa các dân tộc VN

GS. Tô Ngọc Thanh đề xuất, nên mở rộng chức năng Làng văn hóa thành trung tâm nghiên cứu và tổ chức giữ gìn văn hóa tận gốc. “Mỗi mô hình bảo tồn đều có ưu, nhược điểm riêng. Trong điều kiện Việt Nam, hãy cố gắng khắc phục nhược điểm lớn nhất của nó: Vô tình tách đồng bào dân tộc ra khỏi không gian văn hóa đặc thù và biến họ trở thành những diễn viên bất đắc dĩ trong một không gian văn hóa mô phỏng”.

Theo Báo giấy