Cho quê hương thêm xanh

TP - Hẳn ai tới Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của ông David Dương - Việt kiều Mỹ đầu tư, cũng không khỏi ngỡ ngàng rằng “đây là khu để xử lý rác của thành phố sao?”. Lạ. Ngỡ ngàng ở chỗ nó chứa đến hơn 4 triệu tấn rác rồi nhưng không thấy mùi hôi. Lạ nữa là ở đó có cả một công viên với vườn cây trái, hoa cỏ và những chú Hươu, Nai, Công,… thật đẹp. Một mảng xanh đầy hy vọng mà là nơi ông Dương thường mở cửa cho người dân tham quan, học hỏi về bảo vệ môi trường.

> Khu xử lý rác mở cửa đón du khách

Không quên thuở cơ hàn

Mấy năm nay ông David Dương đi về giữa Mỹ và Việt Nam đều đặn hơn. Có lẽ ngoài dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước mà Cty TNHH Xử Lý Chất Thải Rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS), nơi ông là Chủ tịch Hội Đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đã hoạt động thành công, với mỗi ngày xử lý 3.000 tấn rác của thành phố Hồ Chí Minh nên ông tất bật với “đứa con” của mình chăng? Hay còn những dự án nào mà ông ấp ủ.

Ông trả lời: “Tất bật cũng phải, bởi phải đẩy nhanh dự án “Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh” tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với diện tích 1.760ha và nhiều công việc đang chờ phía trước nữa”. Cũng như David Dương của nhiều năm trước, lúc nào ông cũng hối hả với công việc như vậy.

Ấy là lúc mới 18 tuổi, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư trong điều kiện kinh tế khó khăn. Ngày cắp sách đến trường, ban đêm lại tất bật với anh chị em, bố mẹ đi thu gom rác. “Gia đình đã khởi đầu cuộc sống trên đất Mỹ bằng cách mua lại một chiếc xe tải đã qua sử dụng để anh em trong nhà thay phiên đi gom nhặt rác” - David Dương nhớ lại.

Ông David Dương.

Không phải cứ sang Mỹ là nơi thiên đường của mọi người. Ông khởi đầu công việc từ một người nhặt rác. Cho đến năm 1982, khi gia đình đã dành dụm được một số vốn, việc thu gom cũng được mở rộng ra từ một xe tải lên năm xe.

Một năm sau đó, gia đình ông quyết định thuê một kho bãi để các xe tải đi thu gom rác về đưa vào kho bãi dự trữ. Sau đó họ đã thành lập công ty để vào nghề với tên gọi là East West Recycling Company. Năm 1984, Công ty từ East West được đổi thành Cogido Paper Corp và ông David Dương làm Giám đốc điều hành. Đây cũng là công ty của người Việt đầu tiên chuyên đầu tư dây chuyền phân loại và đóng kiện phế liệu có thể bán được trên đất Mỹ.

Sau nhiều năm lặn lội với nghề và tạo được một cơ sở vững chắc đầu năm 1992, David Dương đã thành lập Công ty California Waste Solutions (CWS) và được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty. Đến nay, Công ty CWS được công nhận là thành viên thứ 37 của 100 công ty hàng đầu trong ngành thu gom vận chuyển và xử lý rác tại Hoa Kỳ.

Gần 30 năm sau ngày cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, năm 2004, David Dương trở về Sài Gòn. Khát khao được chung tay xây dựng quê hương càng thôi thúc ông tìm cách đóng góp nơi mình sinh ra. “Tôi luôn tâm niệm dù ở đâu đã là con rồng cháu tiên thì phải yêu giống nòi. Đó là lý do tôi quyết định trở về nước đầu tư vào lĩnh vực xử lý môi trường vốn giúp tôi thành danh trên đất Mỹ” - ông David Dương chia sẻ.

Không chỉ là công việc

Một khu đầm lầy như Đa Phước, ở huyện Bình Chánh tưởng chừng sẽ ngủ yên cùng lau sậy và sình nước. Ai ngờ, từ ngày có bàn tay đầu tư của ông David Dương vào, nó đã trở nên hoàn hảo. 128ha nơi đây dường như không người đặt chân tới nhưng 7 - 8 năm nay nó là nơi của hơn 300 công nhân làm việc, hàng trăm đoàn khách từ chính khách nước ngoài đến trong nước ghé thăm với hàng chục đoàn đối tác đến học hỏi hoặc mời ông Dương hợp tác. Từ một khu đầm lầy nay là khu xử lý rác có quy mô và hiện đại nhất Việt Nam, nơi đang tiếp nhận 50% lượng rác thải phát sinh mỗi ngày của TPHCM.

Không chỉ hăng hái trong công việc, ông luôn hướng đến cộng đồng.

 Là một người Mỹ gốc Việt, tôi rất tự hào khi mang lại những dự án xử lý rác đầy hữu ích và hiện đại cho quê hương của mình. Ở Mỹ hiện chúng tôi đang mở rộng thêm hai nhà máy mới bang California: một nhà máy xử lý rác và tái tạo năng lượng điện ở thành phố Oakland, vốn đầu tư dự kiến 160 triệu USD và một nhà máy phân loại phế liệu tái chế ở thành phố Stockton, vốn đầu tư dự kiến 30 triệu USD. Trong tháng tới chúng tôi sẽ đạt được gói thầu lớn nhất của Mỹ về thu gom xử lý và tái chế rác thải. Đó cũng là nhờ kinh nghiệm, năng lực của công ty chúng tôi.

Ông David Dương

Ông Dương nói khiêm tốn, có một môi trường trường rất sạch và xanh như vậy là nhờ công của cả tập thể công nhân và nhân viên cũng như các chuyên gia đến từ Mỹ của VWS.

“Đẹp như vậy, sạch sẽ và hiện đại như vậy là nhờ toàn bộ hệ thống máy móc tiên tiến theo chuẩn Mỹ và một đội ngũ kỹ sư, công nhân bậc thầy” - ông David Dương tự hào.

Hiện khu vực chế biến phân compost với công suất 1.000 tấn/ngày và nhà máy xử lý nước rỉ rác với công suất 1.000m3/ngày cũng đã đi vào hoạt động. Trong năm nay, theo ông Dương, trạm điện với công suất tối thiểu 12MW cũng sẽ đi vào hoạt động.

Đó là chuyện ở Đa Phước. Còn ở Long An, dự án được Chính phủ cấp phép, cũng đang gấp rút tiến hành. Nó là “Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh” tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với diện tích 1.760ha.

Đây là dự án đã được Chính phủ quy hoạch là khu xử lý chất thải cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD, thời gian đầu tư 20 năm, thời gian tiếp nhận và xử lý rác từ 70 - 100 năm theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Mỹ.

Đảm đang công việc về xử lý chất thải là một phần, ông David Dương luôn tâm niệm “làm kinh doanh phải hướng tới lợi ích cộng đồng”. Và điều này đã được minh chứng trong việc cộng đồng người Việt Nam tại thành phố San Jose, Mỹ đã ủng hộ ông trúng thầu ngoạn mục vào năm 2007.

Ông David Dương đã có nhiều sự đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Mỹ bằng các chương trình giải quyết việc làm cho người dân mà ông Dương đã tham gia ở hai thành phố San Jose và Oakland.

Ngoài ra, Công ty CWS tham gia các chương trình cộng đồng với 2 thành phố như: tạo việc làm trong mùa Hè cho các học sinh, hỗ trợ đóng góp thực phẩm cho người nghèo và người vô gia cư vào mùa Đông, tài trợ các chương trình cộng đồng cho người Việt tại Hoa Kỳ như: Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc, tài trợ tiền cho chương trình dạy và duy trì tiếng Việt… Đó cũng là điều dễ hiểu bởi ông luôn giàu lòng yêu thương con người và hướng về quê hương.

Theo Báo giấy