Liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền lương, trong năm 2023, Quốc hội quyết định, chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.
Liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền lương, trong năm 2023, Quốc hội quyết định, chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.
Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27.
Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).
Quốc hội giao các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 – 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Chính phủ được giao tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Từ năm 2023, Chính phủ xây dựng cơ chế theo dõi số thu thuế của nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp đối với thu nhập phát sinh sau khi cung cấp hàng hóa dịch vụ phân biệt riêng cho cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam, để có cơ sở đánh giá, hoàn thiện và bảo đảm chế tài thực hiện chính sách quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài”, Nghị quyết nêu rõ.
1. Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng (một triệu, sáu trăm hai mươi nghìn, bảy trăm bốn mươi bốn tỷ đồng).
2. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng (hai triệu, không trăm bảy mươi sáu nghìn, hai trăm bốn mươi bốn tỷ đồng).
3. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (bốn trăm năm mươi lăm nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm:
Bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng (bốn trăm ba mươi nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 4,18% GDP;
Bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng (hai mươi lăm nghìn tỷ đồng), tương đương 0,24% GDP.
4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng (sáu trăm bốn mươi tám nghìn, hai trăm mười ba tỷ đồng).