Chính sách “ngoại giao đầu tư” của Trung Quốc

TP - Trung Quốc, với tiềm lực kinh tế to lớn, đã đổ ra 45,8 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong gần hai thập niên vừa qua nhằm tập hợp đồng minh và đối tác xung quanh mình. Ảnh hướng của Bắc Kinh đối với chính trị khu vực đã khiến các nước láng giềng lo ngại, theo các nhà nghiên cứu Mỹ.
Trung Quốc bỏ tiền đầu tư vào hạ tầng nhiều nước trong khu vực với nhiều mục tiêu chiến lược. Ảnh: SCMP.

Tờ SCMP (Hong Kong) nói, các nghi ngại xuất hiện khi Trung Quốc cố thuyết phục thế giới về sự trỗi dậy hòa bình của nước này, thay vì nổi lên thành một mối đe dọa ở khu vực, theo AidData, một dự án của Mỹ theo dõi các dòng đầu tư hỗ trợ phát triển.

Đầu tư chiến lược

Trong báo cáo mới nhất, AidData ghi nhận rằng thay vì tung tiền ra theo cơ hội đầu tư thông thường, Bắc Kinh chủ ý triển khai một loạt các công cụ ngoại giao công chúng (public diplomacy), dựa trên các đánh giá về nguy cơ tiềm tàng và cơ hội, để nhắm tới các quốc gia có thể mang lại nhiều cơ hội cho Trung Quốc.

Những phát hiện này giải thích vì sao các đối thủ lớn nhất trong khu vực- Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia thường xuyên là đối tượng ngoại giao của Trung Quốc, bao gồm các chuyến thăm chính thức, hơn các nước gần hơn về mặt địa lý, như Indonesia, Campuchia, Malaysia và Thái Lan.

“Những quốc gia này (Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia) quan trọng đối với Bắc Kinh bởi họ có khả năng làm xói mòn hoặc củng cố vị trí địa chiến lược của Trung Quốc với sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự”, Samantha Custer, giám đốc phân tích chính sách, trưởng nhóm báo cáo của AidData, nói.

Chương trình AidData, thuộc đại học William & Mary (bang Virginia, Mỹ), đã nhận dạng một “mối quan hệ giữa số lần viếng thăm chính thức (của quan chức  Trung Quốc) đối với một quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương và mức độ ủng hộ về chính sách ngoại giao” của nước đó đối với Trung Quốc.

“Trung Quốc càng thăm viếng nước nào nhiều, khả năng nước đó ủng hộ Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc càng cao”, các nhà nghiên cứu nói.

Do đó, chính sách ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã trở nên “một trong những công cụ đắc lực nhất” giúp Bắc Kinh khai thác các mối quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa chính trị”, AidData nói. Những chiến thuật như thế đã chứng minh sự đặc biệt hiệu quả trong nỗ lực xây dựng quan hệ với Philippines, cũng theo AidData.

Trong số 48 tỷ USD Bắc Kinh bỏ ra đầu tư vào khu vực từ năm 2000-2016, có 95% (45,8tỷ USD) được ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng. Hãy nhìn vào các con số còn lại: Trung Quốc chi 273 triệu USD vào hỗ trợ nhân đạo, 613 triệu USD vào hỗ trợ ngân sách/cấp vốn trực tiếp cho chính phủ và 90 triệu USD để xóa nợ, theo AidData.

Để xây dựng báo cáo, AidData đã phỏng vấn 76 lãnh đạo các tổ chức công, tư, nhóm xã hội dân sự, phân tích các dữ liệu công và tiến hành các nghiên cứu cụ thể tại Philippines, Malaysia và Fiji. Các nỗ lực giành ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh thông qua hỗ trợ đầu tư nước ngoài phản ánh nỗ lực sắp đặt một chuỗi các chiến lược ngoại giao nhằm kết nối với các quốc gia thay vì chỉ tung tiền ra đầu tư kiếm lời thông thường, AidData kết luận.

Nắm lấy giới tinh hoa

Các khoản đầu tư nói trên hầu hết diễn ra trước năm 2013, khi Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng Sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi qua các mạng lưới cầu và đường liên lục địa.

Kể từ khi chương trình Vành đai và Con đường được khởi động, nó đã trở thành một trong những công cụ được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong việc giành ảnh hưởng tại các nước láng giềng trong khu vực, theo các nhà nghiên cứu của AidData.

Sự thành công của Trung Quốc trong việc xây dựng mối quan hệ với các nhân vật tinh hoa chính trị khu vực đã phát huy tác dụng khi Bắc Kinh muốn gia tăng quyền lực chính trị và kinh tế khắp toàn cầu trong nỗ lực định hình lại trật tự thế giới, vốn bị phương Tây chi phối trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, chuyên gia Custer nói, các nỗ lực ngoại giao giành ảnh hưởng của Trung Quốc có thể bị xem xét lại khi có sự thay đổi chính trị tại quốc gia nào đó.

Một trường hợp cụ thể là Malaysia. Khi thủ tướng Mahathir Mohamad  đắc cử, ông đã nói sẽ xem xét lại các thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng với Trung Quốc do người tiền nhiệm Najib Razak, được cho là “thân Bắc Kinh”, ký. “Một loạt yếu tố có thể đe dọa những lợi ích từ thỏa thuận này: tranh chấp trên biển Đông, quan điểm rằng Trung Quốc không phải luôn giữ lời hứa về các dự án hạ tầng; sự mang ơn với Trung Quốc theo kiểu một kẻ phải vật lộn với món nợ  ngày càng tăng lên trước ông chủ nợ”, Custer nói.