Chính quyền tắc trách, 1.000 m3 gỗ công sản 'tiền tỷ' mục nát

TP - Tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), chỉ vì xử lý không triệt để, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan chức năng, hơn 1.000 m3 gỗ công sản ở địa phương này bị mục nát gần hết. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đang làm rõ trách nhiệm.
Hơn 1.000 m3 gỗ bị mục nát gần hết

Ngày 26/2, Chủ tịch HĐND huyện Ea Súp Nguyễn Hoàng Vũ xác nhận hơn 1.000 m3 gỗ này được trục vớt ở hồ Ea Súp Hạ từ nhiều năm nay. “Trong nhiều lần giám sát, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện xử lý dứt điểm số tài sản này. Vì càng để lâu gỗ sẽ bị hư hỏng và mất giá trị. Mấy lần đưa ra đấu giá, nhưng giá bán quá cao, không ai mua”, ông Vũ nói. Ông Vũ cho biết thêm, đang chờ UBKT tỉnh ủy Đắk Lắk ra kết luận mới có hướng xử lý  tiếp theo.

Trước đó, năm 2011, UBND huyện Ea Súp đồng ý để Doanh nghiệp tư nhân Phước Lợi trục vớt (2 đợt) hơn 1.000 m3 gỗ (bao gồm các nhóm gỗ từ II đến  VII và nhóm  IIA) tại lòng hồ Ea Súp Hạ. Trong số này, khối lượng gỗ bằng lăng là hơn 101m3, căm xe hơn 245 m3 và gỗ dầu hơn 340 m3… Tổng giá trị khoảng 1,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số gỗ khi được vớt lên không được bảo quản ở các kho bãi, mà để tại vườn nhà dân phơi nắng mưa. Cùng với yếu tố tác động của môi trường, lượng lớn gỗ đã bị hao hụt, mục nát gần hết. Theo Báo cáo của Đoàn giám sát số 6 (HĐND huyện Ea Súp), hiện toàn bộ số gỗ trục vớt này còn khoảng 350m3. “Do tài sản không còn nguyên trạng, đa phần bị mục nát… nên việc tổ chức kiểm đếm, đánh giá lại chất lượng gỗ còn lại gặp nhiều khó khăn”- báo cáo nêu.

“Trách nhiệm để gỗ mục nát, hư hỏng là của UBND huyện Ea Súp, nơi quản lý tài sản. Trường hợp gỗ bị xuống cấp, hư hỏng huyện này phải có kiến nghị hướng giải quyết”. 


Một lãnh đạo Phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính Đắk Lắk

Trong khi đó, Doanh nghiệp tư nhân Phước Lợi tiếp tục gửi đơn  yêu cầu UBND huyện Ea Súp hoàn trả tiền công mà họ đã trục vớt số gỗ trên theo thỏa thuận trước đó. Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, số gỗ này có từ nhiệm kỳ trước và thừa nhận đến nay huyện chưa thanh toán tiền thuê doanh nghiệp trục vớt. Vị này còn cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng  gỗ bị mục nát như hiện nay là của UBND thị trấn Ea Súp. “HĐND huyện đã nhiều lần kiến nghị, nhưng thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên theo hướng, để huyện tự thanh lý bán lại cho doanh nghiệp. Đã nhiều lần bán đấu giá, hạ giá bán… cũng chẳng ai mua”, ông Nhiệm nói.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp (nhiệm kỳ 2010-2015) là ông Trần Ngọc Quang, bố vợ của ông Nhiệm. Ông Quang từng bị UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cảnh cáo. Bản thân ông này từng sử dụng 84,8m3 gỗ thành phẩm (quy gỗ tròn bằng 135,6m3) không có hồ sơ chứng minh hợp pháp. Thế nhưng, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk không xử lý nghiêm hành vi sử dụng gỗ trái phép của ông Quang.