Đoàn đi lần này có 3 người từng leo A Pa Chải cách đây 10 năm nhưng chỉ một chạm đỉnh. Tôi cũng cảm thấy hơi lo thay cho những anh chị quyết leo lại lần này. Mười năm qua, sức khỏe chắc gì đã được như xưa… Chúng tôi di chuyển từ Hà Nội bằng ô tô, chỉ chừng 12 tiếng là đến thành phố Điện Biên. Giữa đường còn kịp vào thăm nhà tù Sơn La cùng biểu tượng cây đào Tô Hiệu.
Điểm đến dọc đường
Sau khi được cô hướng dẫn viên dẫn qua khu xà lim bị chính quân Pháp phá (để xóa bằng chứng tội ác) bên ngoài, chúng tôi bước vào khu nhà giam bên trong được phục dựng lại. Trong cùng là khu xà lim tối được che đậy bằng nhà bếp ở bên trên. Nơi vốn chỉ dành để giam 11 người này có lần từng nhốt 156 tù chính trị cộng sản. Đặc biệt thực dân Pháp không cho tù nhân ăn uống gì mà để họ đứng như nêm trong căn hầm ngập chất thải. Tù nhân phải tích trữ nước tiểu để uống. Nhưng đã có một số giám thị đã được cảm hóa tìm cách tiếp nước qua ô thông gió...
Để đến thăm cột mốc A Pa Chải (tiếng Hà Nhì nghĩa là “Chị Cả”), du khách cần liên hệ trước với đồn biên phòng, xuất trình và để lại căn cước. Chúng tôi được một sĩ quan người Mông dẫn đường từ đồn đến đỉnh. Sự nhiệt tình, hòa nhã của anh để lại ấn tượng tốt đẹp. Thậm chí, thành viên lớn tuổi nhất đoàn còn tuyên bố nếu có con gái sẽ nhận anh làm rể.
Sau một quá trình đấu tranh gian khổ, hi sinh cuối cùng tù nhân cũng có thể tăng gia sản xuất để có thu nhập, thậm chí có năm còn mổ lợn đón Tết ngay trong tù. Một tờ báo trong tù là Suối Reo cũng được xuất bản. Chi ủy còn tổ chức thành công cho bốn tù nhân vượt ngục. Tóm lại những gì xảy ra tại đây xứng đáng được chép thành một thiên sử thi.
Ngoài sân di tích nhà tù, bà con dân tộc dựng lều bán hoa quả. Những quả mận cơm đỏ mọng, dôn dốt. Xoài ngọt lịm thơm lừng. Bõ công ngắm từng dãy xoài trĩu trịt quả suốt dọc đường từ Mộc Châu đến đây… Điểm dừng chân để lại nhiều cảm xúc và đoàn mang về không chỉ những túi quả lúc lỉu…
Hôm sau, đoàn dành nửa ngày để khám phá các di tích lịch sử quan trọng của thành phố Điện Biên. Ngoài đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, hai tác phẩm nghệ thuật là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và bức tranh toàn cảnh về trận Điện Biên Phủ cũng rất đáng để chiêm ngưỡng.
Một lần nữa, cô hướng dẫn viên tại bảo tàng lại làm không ít du khách cảm động khi kể những câu chuyện về chiến dịch lịch sử. Trong đó có chuyện người cha bác sĩ đã mổ cho chính con trai mình, nhưng người lính ấy đã không qua khỏi... Mắt của người kể chuyện cũng hoe hoe đỏ. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng chính là nơi chúng tôi mua áo đỏ sao vàng làm đồng phục sẽ mặc trên cột mốc biên giới.
Đêm ngỏ cửa
Khởi hành vào khoảng 2h chiều từ thành phố Điện Biên, chừng 7h tối, đoàn tới điểm nghỉ - một homestay mới mở ở A Pa Chải. Đây hẳn là một quyết định đúng đắn của ông chủ người Hà Nhì, bởi A Pa Chải sẽ ngày càng hút du khách. Vì đường sá đã dễ đi hơn, thủ tục để lên thăm cột mốc biên giới giản tiện hơn. Mai này thấy bảo còn xây thêm cột cờ và có khi cả một ngôi chùa. Mô hình giống Lũng Cú, Hà Giang...
Homestay dựa vào núi, ruộng bậc thang và một con suối nhỏ khá hữu tình. Tất nhiên cơ sở vật chất còn thô sơ, chắp vá. Cánh cửa của khu phòng ở được tận dụng từ nhiều nơi đem về ghép thành đôi. Vấn đề là cửa vài căn phòng chủ nhà còn chưa kịp làm then. Dẫn đến việc khách đang ngủ lại có đôi người say rượu chui vào đòi ngủ chung rất bất tiện, chưa kể có thể mất mát đồ dùng…
Khách khứa đến lưu trú làm ồn đến quá nửa đêm. Không gian rừng núi mênh mông hóa ra truyền âm rất tốt... May đúng nửa đêm điện bị mất làm phá sản kế hoạch hát karaoke của một số người dưới xuôi lên. Nhưng dự định ngủ ngon trước khi leo A Pa Chải của chúng tôi cũng tan thành mây khói.
Bữa tối, chủ nhà còn khéo léo “ép” khách ăn cơm theo mâm dù khá ngon nhưng trong đó có nhiều món kèm rượu mà khách không hề gọi. Kết quả là tiền ăn đắt gấp đôi thành phố Điện Biên. Phòng nhiều hay ít giường, cửa có chốt hay không cũng đều 200 nghìn đồng.
Nhưng quyết định thuê cả xe, cả xế ôm đưa nhóm lên đỉnh cực Tây (500 nghìn đồng/người) là chuẩn xác. Vì rạng sáng 30/4 trời mưa rất to. Khi chúng tôi xuất phát vẫn phải mặc áo mưa. Toàn bộ hành trình diễn ra trong mưa mù. Nhiều đoạn đường dốc dù đã được đổ bê tông vẫn khá trơn trượt. Xe của các tài xế Hà Nhì đâu phải loại tốt. Tôi được chở trên một chiếc honda cũ vừa mua từ Yên Bái còn chưa kịp làm lại máy. Nhiều đoạn người lái lên dốc bằng chân. Bù lại tôi không phải xuống xe lần nào trong suốt hành trình. Tự thấy nếu xe tốt và trời không mưa, tôi có thể tự lái quãng đường chừng 11km từ đồn A Pa Chải lên cột mốc.
Chạm đỉnh
Ba thành viên từng leo A Pa Chải trong đoàn đã leo bộ hoàn toàn, bắt đầu từ đồn biên phòng. Thời đó tất nhiên chưa có đường bê tông hay bậc đá. Người dẫn đường cho họ đi xuyên rừng qua những lối tắt dốc ngược. Thế nên xuất phát 7h sáng cũng chỉ tầm hơn 15h chiều là đoàn đã quay về. Bữa trưa cơm nắm ăn ngay bên cột mốc. Giờ đây họ không ít lần ồ à ngay từ khi đi từ Mường Nhé đến A Pa Chải. Vì con đường cũ lột xác hoàn toàn khiến họ không thể nhận ra...
Nếu không vì ngày lễ, đông khách, đoàn xe của chúng tôi hoàn toàn có thể đỗ sát bậc đá. Và chỉ còn phải leo 541 bậc cùng 29 chiếu nghỉ để đến với cột mốc. Chắc chừng nửa tiếng tới đích, đấy là còn mặc áo mưa hơi khó di chuyển. Bù lại trời mát leo không mệt. Chạm đỉnh cái bỗng trời tạnh. Cả đoàn tha hồ mặc áo quốc kỳ chụp ảnh. Chúng tôi chỉ chào cờ, một đoàn khác còn hát Quốc ca. Ngay khi những câu hát cất lên, người nghe đã thấy rưng rưng lạ...
Lát sau thấy có vài du khách từ phía Trung Quốc đi lên, hai bên chào hỏi thân thiện. Phía Lào hẳn do địa hình hiểm trở không có đường lên. Được biết các chiến sĩ biên phòng Lào muốn sang thăm chiến sĩ ta phải đi bộ đường rừng mất cả tuần.
Kết luận chung là cực Tây của Tổ quốc dễ chinh phục hơn cả đoàn tưởng. Tất nhiên có thể những đoàn di chuyển từ Nam ra hoặc đi bằng xe máy từ Hà Nội sẽ có cảm nhận khác. Vả lại cũng do chúng tôi xuất phát trước kỳ nghỉ một ngày (28 thay vì 29/4) nên đi lại cũng dễ dàng. Đó có lẽ là cách duy nhất để tránh cảnh tắc đường đã được báo trước.