Chính giới, học giả Mỹ đòi trừng phạt Trung Quốc

TP - Theo Bloomberg, một số lãnh đạo Quốc hội, quân đội Mỹ và học giả nước này ủng hộ việc trừng phạt Trung Quốc vì đã có cách hành xử tồi tệ trên biển Đông.
Trung Quốc tập trận tàu chiến ở Biển Đông.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, mới đây đề nghị chính quyền Tổng thống Barack Obama hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận RIMPAC 2016 ở Hawaii. 

“Chúng ta không thể mời họ dự RIMPAC vì cách hành xử tồi tệ. Từ năm ngoái, họ ồ ạt xây đảo nhân tạo và xây đường băng. Không có gì phải nghi ngờ về các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc”, ông McCain nói.

Theo Bloomberg, một số lãnh đạo khác của Quốc hội và quân đội Mỹ cũng ủng hộ việc trừng phạt Trung Quốc. Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, Bộ trưởng Ashton Carter không muốn mời Trung Quốc dự RIMPAC 2016. Một quan chức ở Washington tiết lộ, Nhà Trắng cũng tỏ ý ủng hộ việc rút lời mời Trung Quốc dự RIMPAC và tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ hơn đối với hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông. Chuyên gia Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cũng kêu gọi Mỹ trừng phạt ngoại giao Trung Quốc và tăng cường hợp tác quân sự với các nước khu vực.

Theo The Economist, sau nhiều tháng ráo riết cải tạo và xây đảo nhân tạo ở biển Đông nhằm củng cố yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ biển này, Trung Quốc cố gắng thực hiện một cách tiếp cận tinh vi hơn là mở một tổ chức nghiên cứu tại bang Virginia, Mỹ với vai trò chi nhánh của Viện Nghiên cứu biển Đông. 

Một nhiệm vụ của tổ chức mới này là khoác lên các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc một vẻ học thuật uyên thâm bề ngoài, ẩn đi tham vọng và sự hung hăng của họ tại biển Đông, bất chấp chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á. The Economist nhấn mạnh, tốc độ và quy mô Trung Quốc xây đảo nhân tạo thật đáng kinh ngạc. Hãng IHS Janes nhận định, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.

The Economist nhận định, tổ chức nghiên cứu Trung Quốc mới lập tại Mỹ là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm khiến nước ngoài tin Bắc Kinh hơn. Năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh tuyển nhóm nghiên cứu sinh đầu tiên. Một trong các nhiệm vụ của trung tâm này là lùng tìm các tài liệu có thể hỗ trợ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ông Shen Dingli ở Đại học Phúc Đán nói rằng, chính quyền Trung Quốc đặc biệt hăng hái đầu tư nghiên cứu liên quan biển Đông, để “người ta không chỉ nghe mà còn thấy chúng tôi có lý”.

Nhưng theo The Economist, việc này không dễ dàng. Những bức ảnh vệ tinh nước ngoài công bố về thực trạng Trung Quốc ồ ạt xây đảo nhân tạo ở biển Đông đã phơi trần sự thật. Bà Hong Nong, lãnh đạo tổ chức nghiên cứu mới của Trung Quốc ở Mỹ, buộc phải thừa nhận rằng, bà “ngạc nhiên” về những hình ảnh mới công bố về tốc độ Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa. Bà Hong nói rằng, bà hiểu sự lo ngại của các nước láng giềng Trung Quốc và rằng Trung Quốc cần trấn an các nước bằng cách trao đổi và tự thể hiện sự “minh bạch” hơn.

Philippines và Mỹ năm 2014 nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng. Mới đây, hai nước tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong 15 năm qua. Trong chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai nước ký thỏa thuận quốc phòng mới, cho phép hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn.