Người dân Sri Lanka quay lại phương pháp nấu ăn cổ xưa này từ đầu năm nay, khi hơn 1.000 bếp nấu phát nổ trên cả nước, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Nguyên nhân tai nạn là do nhà cung cấp cắt giảm chi phí, tăng thành phần khí propan trong gas bán cho người dân, khiến áp suất tăng lên mức nguy hiểm.
Giờ đây, ở quốc gia 22 triệu dân, gas trở thành mặt hàng khan hiếm hoặc quá đắt so với đa số.
Một số người chuyển sang dùng dầu hoả để nấu nướng, nhưng chính phủ không có tiền để nhập xăng và dầu diesel, khiến tất cả các loại nhiên liệu đều khan hiếm.
Những người dùng nồi và bếp điện cũng không thể sử dụng vì mất điện triền miên, chính phủ không có tiền để mua nhiên liệu chạy máy phát.
Niluka Hapuarachchi, 41 tuổi, may mắn thoát chết khi trong vụ nổ bếp gas vào tháng 8 năm ngoái.
“May là không ai ở bếp vào thời điểm đó. Tôi sẽ không bao giờ dùng gas nữa. Giờ chúng tôi đang đun củi”, cô nói.
Bà M G Karunawathi, 67 tuổi, chủ một quán ăn ven đường, cho biết bà cũng phải chấp nhận hít khói khi đun củi để tránh phải đóng cửa hàng.
Sri Lanka trước đây là một quốc gia thu nhập trung bình, với thu nhập bình quân đầu người tương đương Philippines, mức sống tương đương Ấn Độ. Tuy nhiên, những sai lầm trong quản lý kinh tế và ngành du lịch hứng đòn mạnh từ đại dịch COVID-19 khiến quốc gia này cạn kiệt ngân sách để nhập khẩu hàng hoá.
Sự khổ sở đó có thể sẽ không sớm kết thúc. Phát biểu trước quốc hội hôm 5/7, Thủ tướng Sri Lanka cho biết: “Chúng ta sẽ phải đối diện với khó khăn trong cả năm 2023. Đây là sự thật, là thực tế”.
Sri Lanka hiện có mức lạm phát cao thứ hai thế giới, chỉ sau Zimbabwe. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% dân Sri Lanka phải giảm số bữa ăn vì không đủ tiền mua thực phẩm.