Chiến hạm Quang Trung - tàu hộ vệ tên lửa uy lực nhất của Việt Nam

Tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung được trang bị hệ thống vũ khí với khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không mạnh mẽ, là chiến hạm uy lực nhất của Hải quân Việt Nam.

Trong quá trình tham dự triển lãm quốc phòng hàng hải quốc tế IMDEX 2019 ở Singapore. Tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới quân sự các nước, nhà phân tích và phóng viên quốc tế. Ảnh: MDC.

Tàu 016 Quang Trung thuộc loại tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 do nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Theo Naval Technology, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 4 tàu Gepard 3.9, chia thành 2 đợt, mỗi đợt 2 tàu. Ảnh: MDC.

Tàu 016 thuộc đơn hàng thứ 2. Đây là phiên bản nâng cấp, bổ sung thêm hệ thống vũ khí chống ngầm mà 2 tàu đầu tiên chưa được trang bị. Gepard 3.9 được chế tạo cho nhiệm vụ tuần tra, hộ tống, bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, chống tàu mặt nước, tàu ngầm, phòng không tầm thấp. Ảnh: MDC.

Tàu được vũ trang pháo AK-176M, cỡ nòng 76 mm. Pháo có tầm bắn tối đa 15 km, tốc độ bắn 120 viên/phút. Pháo có thể tác chiến chống tàu mặt nước cỡ nhỏ, xuồng tuần tra, pháo kích các mục tiêu ven biển và phòng không. Ảnh: MDC.

Lá chắn phòng không chủ lực trên tàu 016 là hệ thống phòng không tích hợp Palma. Hệ thống gồm 2 pháo bắn siêu nhanh AO-KD. Mỗi pháo gồm 6 nòng, cỡ đạn 30 mm, tốc độ bắn 4.000 - 6.000 viên/phút. 8 tên lửa phòng không tầm thấp Sosna-R. Tên lửa có tầm bắn 15 km, độ cao 10 km. Ảnh: MDC.

Hỗ trợ cho hệ thống Palma là 2 pháo bắn siêu nhanh AK-630, 6 nòng, cỡ đạn 30 mm ở đuôi tàu. Pháo có tốc độ bắn tối đa 5.000 viên/phút, tầm bắn hiệu quả 4-5 km. AK-630 được chế tạo cho nhiệm vụ phòng không, đánh chặn tên lửa, tiêu diệt xuồng đổ bộ của đối phương. Nó được ví von là "lá chắn cuối cùng" trên chiến hạm. Ảnh: Military Armed Force.

Một điểm khác biệt trên tàu Quang Trung so với 2 tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ là được bổ sung 4 ống phóng ngư lôi 533 mm ở hai bên mạn tàu. Việc bổ sung thêm ngư lôi giúp hoàn thiện năng lực tác chiến của tàu, đồng thời nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Military Armed Force.

Đuôi tàu có sàn đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Tàu 016 nói riêng và Gepard 3.9 nói chung không có nhà chứa cho trực thăng. Nó chỉ có một góc nhỏ để che phần đầu, phần đuôi và cánh quạt chính của trực thăng vẫn ở ngoài trời, vì không gian của tàu không đủ để thiết kế nhà chứa trực thăng chuyên dụng. Ảnh: MDC.

Cảm biến chính trên tàu là radar tìm kiếm mục tiêu trên không Pozitiv-ME ở đỉnh cột buồm chính. Radar có tầm trinh sát 150 km, phát hiện máy bay ở cự ly 110 km. Radar điều khiển hỏa lực cho tên lửa chống hạm Mineral-ME, tầm trinh sát tối đa 250 km và radar điều khiển hỏa lực cho pháo 76 mm MR-123. Ảnh: Military Armed Force.

Hệ thống hỏa lực mạnh nhất trên tàu 016 là 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E. Tên lửa có tầm bắn từ 130-250 km tùy phiên bản. Nó được dẫn đường đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và radar chủ động giai đoạn cuối. Kh-35 mang theo đầu đạn nặng 145 kg có thể nhấn chìm chiến hạm tải trọng 5.000 tấn. Ảnh: Military Armed Force.

Tàu 016 được trang bị hệ thống động lực kết hợp động cơ diesel và tuabin khí (CODOG), tổng công suất 23.000 mã lực, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ. Tàu có thể hoạt động liên tục 20 ngày trên biển, phạm vi hoạt động 5.000 hải lý. Ảnh: MDC.

Tàu 016 Quang Trung dài 102 m, rộng 13 m, mớn nước 5 m, lượng choán nước 2.200 tấn. Một số nguồn tin nói rằng Việt Nam đang đặt hàng thêm 2 tàu Gepard 3.9 với cấu hình chống ngầm tương tự tàu Quang Trung. Ảnh: MDC.

Theo Theo Zing