Đều đặn hai năm một lần, ông bầu Chí Trung mang gánh hát của mình vào Nam, một tháng “cố thủ” tại Nhà hát TP.HCM, một tháng ở rạp Bến Thành, kịch mục thì cứ một chính kịch kèm một hài kịch hoặc một chùm tiểu phẩm hài.
Năm nay, tạm biệt rạp Tuổi Trẻ ngày 13-6, gánh hát của bầu Chí Trung hẹn cuối tháng tám mới về lại thủ đô để đón mùa thu Hà Nội.
Khởi đầu sự nghiệp sân khấu với hào quang của một kép đẹp (thậm chí còn là đẹp nhất so với các nam diễn viên sân khấu cùng thời: Đức Hải, Anh Tú, Hoàng Dũng, Trần Thạch, Phạm Cường…, giờ đây cùng với cái tiếng “ông bầu”, Chí Trung “chết tên” là một danh hài. Hài đến độ có người không kìm được phải hỏi:
Anh cười nhiều thế có... buồn không?
- Không có gì buồn bằng một rạp hát trống khán giả. Cứ nói hài kịch là rẻ tiền, cứ báo động thị hiếu công chúng, nhưng muốn khuyên răn dạy dỗ, truyền kinh nghiệm, tâm sự tha thiết gì gì đi nữa thì cũng phải “lừa” người ta đến rạp đã chứ.
Khán giả không chịu đến thì anh cao đạo với ai? Chính vì thế nên mới có cái gọi là Đời cười, và ông Lê Hùng cùng với anh em chúng tôi cố gắng cài vào đó những nỗi niềm ái ố hỉ nộ của kiếp nhân sinh cho tiếng cười nó không đến nỗi bị coi là “rẻ”.
Nhưng nói thật, cũng đã ai dám chắc thế nào là đắt rẻ. Đời cười đã sang đến tập 5, mà tập 5 cũng đã quay đến chóng mặt 90 suất diễn ở Hà Nội, chưa nghe chê, chỉ có khen, đặc biệt là cánh nhà báo khó tính.
Trong khi Lôi Vũ, Êdốp, Rừng trúc trí tuệ thế, kinh điển thế, diễn viên diễn như thế, vé mời thì đi kín rạp, vỗ tay rào rào, hôm sau bán vé chẳng ai thèm mua, “hạ giá Êdốp” xuống 20.000 đồng để kêu gọi sinh viên đi xem kịch cổ điển cũng không ăn thua gì. Thế thì cái gì đáng buồn hơn?
Có vẻ như anh đang bao biện cho cái sự diễn hài của mình? Vậy xin hỏi thẳng: ở vị trí trang trọng nhất trong sảnh Nhà hát Tuổi Trẻ là bức ảnh Chí Trung - Romeo và Lê Khanh - Juliet gần 20 năm trước. Có bao giờ anh nhìn bức ảnh mà thấy… xấu hổ vì mình đã ra thế này không - trong khi Lê Khanh vẫn rất thành công với việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh của mình?
- Xấu hổ thì không, tiếc thì có. Nhưng cuộc đời có giá của nó, mỗi khi tiếc nuối thời tuổi trẻ với những giấc mơ Romeo - Juliet, Othello, Đỉnh cao mơ ước, Lời thề thứ 9, Tin ở hoa hồng, Mùa hạ cuối cùng, tôi lại nhìn hai đứa con và nhìn những đồng nghiệp trong đoàn (Chí Trung là trưởng đoàn kịch 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ).
Nếu ai cũng chăm lo giữ gìn hình ảnh cao quí của mình mà không có người lăn ra lo chuyện hợp đồng biểu diễn, lo từ đạo cụ đến cái băngrôn quảng cáo, cái dùi cui của bảo vệ thì lấy đâu ra vở mới mà diễn, bán vé cho ai xem.
Tôi rất phục và trân trọng Khanh, nhưng thỉnh thoảng vẫn đùa “Khanh thích làm thần tượng thì chịu khó lên bàn thờ ngồi, rằm mùng một ngửi hương hoa thôi nhé”. Tôi là người trần mắt thịt, tôi phải sống đã, rồi còn lo cho vợ con, anh em trong đoàn.
Hơn nữa, diễn hài cũng có cái sung sướng là mang lại niềm vui cho bao nhiêu người. Trời cho mình có khả năng hài hước thì sao mình không tận dụng. Ở đời, hầu hết các anh càng ăn nói hóm hỉnh, hài hước bao giờ cũng hơn đứt các chàng đẹp trai, giàu có mà vô duyên trong tim các nàng.
Chẳng lẽ không có kịch bản chính kịch nào đủ sức làm anh run rẩy đến độ đọc xong là muốn… giảm lập tức 20kg để vào vai à?
- Thật buồn là… không có. Tháng nào tôi cũng phải đọc từ 20-30 kịch bản từ khắp nơi gửi đến, mong tìm được cái gì đó khả dĩ để dựng mà không tìm nổi, nói gì đến run rẩy xúc động.
Lắm lúc thấy lo: hay là mình bị chai lì cảm xúc mất rồi. Kịch bản bây giờ không theo kịp nhịp sống của thời đại, người trẻ thì chưa thành thạo kỹ năng viết kịch bản, người quen nghề thì đã quá già để nắm bắt hơi thở cuộc sống của giới trẻ. Ngay như tôi, đi diễn ở vũ trường cũng khá nhiều nhưng cứ cắm đầu diễn, xong rồi về, lúc nghe chuyện công an bắt bọn thanh niên “lắc” còn thấy ngạc nhiên huống gì các “cụ”.
Tóm lại, hài kịch của ta thì mới chỉ tái tạo cuộc sống chứ chưa có tính dự báo, còn bi kịch tệ hơn, đang nhai lại quá khứ, kể lể nỗi niềm của những người không liên quan gì đến mình và đến khán giả thì làm sao bắt người ta thích. Tôi cũng thèm được cái cảm giác tập say sưa quên ăn quên ngủ như hồi dựng Êdốp (tôi giảm được 10kg, từ 89kg xuống 79kg), nhưng lâu lắm rồi không thể có lại được cảm giác ấy.
Nói như anh thì tình hình sân khấu bi quan quá, trong khi thực tế là catsê các ngôi sao hài đang cao ngất ngưởng. Nhà hát anh có tới 17 diễn viên có xe hơi, và các anh lại đang sắp bắt khán giả TP.HCM mở hầu bao?
- Catsê một vài nghệ sĩ hài đi “đánh lẻ” như Vân Dung hay Văn Hiệp là ngoại lệ, còn những người khác có xe hơi toàn là do vợ, chồng hoặc cửa hàng của gia đình họ mang lại, xe của tôi cũng từ cửa hàng H&T (Huyền và Trung). Thu nhập thực tế của các nghệ sĩ chỉ mới khoảng 5 triệu đồng/tháng thôi. Chúng tôi đã được mời làm việc với cơ quan thuế và hầu hết... chưa có vinh dự được đóng thuế. Nhưng chả ai vì thế mà bỏ hay chán nghề. Vì ánh đèn sân khấu có sức hấp dẫn lắm.
Còn nói chuyện lưu diễn ở TP.HCM, anh em trong ấy cứ trách: sao mỗi lần vào chỉ thấy Đời cười và mấy vở hài hài mà không thấy những “đặc sản” như Macbeth, Êdốp, Rừng trúc..., chả biết nói sao nữa vì có mang đi cũng lại chỉ mời anh em đồng nghiệp xem được ba buổi là hết, khán giả chỉ “xem kịch qua báo” thôi chứ nghe cổ điển, chính kịch là kính nhi viễn chi rồi. Lắm lúc cũng tự thấy mình đang “tầm thường hóa nghệ thuật” nên chả dám mời ai đi xem nữa, thành ra mỗi lần vào Nam, với đồng nghiệp cứ như “diễn thầm”.
Nhưng anh vẫn theo dõi sân khấu TP.HCM đấy chứ?
- Sao lại không? Có lần còn bay vào chỉ để xem Thành Lộc ra mắt vở mới. Càng xem càng thấy phục và thương. Tôn thờ nghề sân khấu như thế chỉ có Lộc và Khanh. Diễn đến đâu đốt cháy mình đến đấy. Lên sân khấu là quên hết, chỉ biết có mình với vai diễn, quên cả khán giả.
Tôi khác, tôi vừa diễn vừa biết dưới khán phòng có ai vừa vào muộn, đôi nào đang hôn nhau, ngoài trời đang lắc rắc mấy hạt mưa rào vì có mấy thằng cu trèo trộm cửa sau làm kính bị hở… Tỉnh thế nên tôi không thành “nghệ sĩ lớn” được, tôi chỉ được nhất là cái biết mình.
Lại nhắc lại câu hỏi mà bao nhiêu khán giả muốn biết: cười nhiều thế, Chí Trung có bao giờ buồn không?
- Buồn chứ, buồn nhất là khi vớ phải màn hài mà chính mình chả thấy có cái gì cười được, phải cương mình lên, nong mình ra mà diễn, diễn đến độ thấy người trống rỗng, trống toang hoác, ê ẩm, nhục nhã, lúc ấy tự nhiên ngửi thấy một cái mùi thật kinh tởm, tôi gọi là... mùi bến xe.
May là tôi theo nghề 27 năm rồi, từ lúc 17 tuổi, những lúc gặp “mùi bến xe” vẫn không nhiều bằng những lúc được thăng hoa cùng khán giả, nên vẫn còn sức theo nghề đến hôm nay.
Mơ ước lớn nhất cho sự nghiệp của anh? Và việc cụ thể anh sẽ làm đầu tiên sau chuyến Nam du này?
- Nhà hát chúng tôi đang xây thêm một rạp nữa, đặt ở vị trí mà chúng tôi gọi là “thì tương lai” - tận khu đô thị mới Mỹ Đình (cách trung tâm Hà Nội 10km). Từ lâu, tôi với Lê Khanh, Anh Tú, Lan Hương - lớp diễn viên khóa 1 của nhà hát nay đều đang theo học đạo diễn - đã mơ ước một rạp hát thật sự của mình, nơi chúng tôi có thể làm chủ được tiêu chí hoạt động của mình, làm chủ lịch diễn.
Khi đó chúng tôi có thể lên lịch diễn cho cả quí, cả năm, để có thể xen kẽ doanh thu Đời cười với diễn thể nghiệm các vở kịch lạ, diễn miễn phí cho sinh viên… Chúng tôi sẽ không xếp lịch diễn theo lối “tận thu”, sẽ có nhiều cơ hội cho đạo diễn và diễn viên trẻ… Nếu có thể gọi tên thì đó chính là mơ ước.
Còn kế hoạch gần nhất của chúng tôi là tháng chín tới sẽ ra mắt một vở thật mới và thật lạ. Lê Khanh dựng vở đầu tay với tư cách đạo diễn, tôi chỉ là chủ nhiệm, là “bà đỡ” thôi. Không hài, rất lạ và rất buồn. Tôi dự định nếu Đời cười 5 thu kha khá, sẽ dàn dựng và diễn “free” cho sinh viên, học sinh. Tôi không có vai và đoàn diễn cũng sẽ không có tiền, nhưng chắc không có ai buồn cả...