"Không có gì phải sốt ruột"
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 29/10, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, mỗi lần bàn đến tổ chức bộ máy luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn, bàn đi bàn lại rất nhiều lần. Quy luật rất rõ rồi, tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì bộ máy tổ chức thay đổi, rồi cơ cấu, cán bộ, năng lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình.
“Không có gì phải sốt ruột vì ta thay đổi cái này, thay đổi cái kia vì ta luôn nhận định tình hình thay đổi khó lường, khó dự đoán. Ta cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước mở rộng dần. Tinh thần chung, Nghị quyết của Trung ương rất rõ là xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Chính cho hay.
Nhấn mạnh không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay, Trưởng Ban Tổ chức dẫn dụ, năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách (hơn 1 triệu tỷ đồng), năm 2018 có giảm hơn. Nếu năm nay giảm xuống trên 60% một chút thì giảm được chi tiêu thường xuyên, qua đó sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển. “Chỉ cần giảm 1% thôi chúng ta có hơn 10.000 tỷ rồi. Chúng ta thấy hiệu quả cao và rất cần thiết trong điều kiện kinh tế còn rất hạn hẹp”, ông nói.
Tinh giảm bộ máy để tiết kiệm chi tiêu hành chính như hiện nay là rất cần thiết, nhưng tinh gọn theo ông Chính, đi kém với đó là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả. “Trên thực tế cân bằng hai mục tiêu này rất khó, đòi hỏi chúng ta phải bàn kỹ, các đại biểu phải bàn kỹ, cân nhắc nhiều mặt, trao đi đổi lại để tìm giải pháp phù hợp”, ông nhấn mạnh.
Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nói rõ, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cho phù hợp. Và chủ trương của Đảng là phải khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực, phải rất đồng bộ giữa tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng vị trí việc làm.
“Xét tổng thể về các vấn đề chung thì cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng thì cương quyết làm. Những gì chưa có trong quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì ta mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, từng bước mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Không nhất thiết cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau. Vì từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các cơ quan, địa phương có cái khác nhau”, đại biểu đoàn Quảng Ninh cho hay, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu, tinh giản bộ máy nhưng vẫn phải tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực.
Từ những vấn đề phát sinh trong thủ tục hành chính rườm rà, theo Trưởng Ban tổ chức Trung ương, phải từ thực tiễn mới biết được để cải cách, cứ ngồi thì không nghĩ hết được, dù nghiên cứu kỹ đến mấy cũng không thể phủ hết các góc cạnh của cuộc sống. “Tôi thấy cái này thấm thía lắm. Tối hôm nay ngồi làm thấy rất hay nhưng sáng hôm sau nghĩ lại thấy mâu thuẫn thực tiễn nên phải ngồi sửa. Như vậy là ta cứ làm, chấp nhận một phương án rồi trong quá trình thực hiện ta ngồi sửa. Phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phát hiện sớm và sửa ngay”.
Hết tuổi quản lý, có thể làm đại biểu chuyên trách
Đề cập đến vấn đề cụ thể, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh chủ trương của Đảng là tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, được ít nhất 35%. Cùng với đó, nên nghiên cứu theo hướng nâng cấp hai Ban là Ban Công tác đại biểu, và Ban Dân nguyện. Làm sao nâng cấp để nó xứng tầm với nhiệm vụ được giao và Ban Công tác đại biểu làm tốt sẽ có đại biểu tốt.
“Anh phải lo đại biểu làm sao có năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, đủ điều kiện, khả năng đáp ứng nhiệm vụ của đại biểu. Nhiệm vụ này lớn lắm, vì cán bộ là con người, rất nhạy cảm, phức tạp. Nên chăng trao cho nó chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ngang tầm hiện nay. Nên nghiên cứu theo hướng như vậy, đặt ra trong tình hình hiện nay phải coi trọng công tác đại biểu”, ông nói.
Giải pháp tăng số ĐBQH chuyên trách, theo ông Chính, nên theo hướng các đại biểu sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở Quốc hội mà có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để các đại biểu này có thể ứng cử tham gia làm đại biểu chuyên trách. Cùng với đó, nên quy định cơ quan giúp việc cho đại biểu Quốc hội cho thống nhất, còn cơ quan giúp việc là 3 văn phòng hay 1 văn phòng thì chúng ta hiện đang có mô hình thí điểm như TP. HCM có 2 văn phòng, các tỉnh khác có 3 văn phòng, như vậy là phù hợp.
Vấn đề kinh phí, theo ông, quan trọng nhất là có cơ chế phù hợp, thống nhất trong tổng thể liên thông trong hệ thống chính trị, trung ương hay địa phương, căn cứ vào tình hình cụ thể, ở đâu phù hợp thì giao, còn Bộ Tài chính sẽ phân bổ.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng ủng hộ việc không tổ chức HĐND. HĐND là cánh tay nối dài của UBND quận, còn quản lý ở chính quyền nông thôn thì quản lý theo lãnh thổ, khác với quản lý của đô thị là quản lý theo ngành. Tôi đồng ý và tán thành cho Hà Nội thí điểm, cũng không cần đổi tên UBND mà giữ nguyên.
Về lộ trình, theo ông Chính, nếu làm sớm được thì thuận lợi để chuẩn bị công tác cán bộ, vì Đại hội Đảng các cấp 2020 rồi, nếu làm sớm được thì tốt.