Nghề y vốn được coi là nghề nặng nhọc cả thể xác và tinh thần nhưng người phụ nữ tôi gặp tỏa ra thứ nội lực mà nhiều khi chính đồng nghiệp nam cũng nể phục. Từng là người gây bão dư luận bởi cuộc đấu tranh “có một không hai” trong ngành y mà chị kiên trì đeo bám, dẫu biết chắc khó khăn bời bời chờ đón, đến giờ nhắc lại mọi việc vẫn như đang hiện ra trước mắt. Chỉ khác là không còn những giọt nước mắt tủi buồn. Cả chục năm trước khi chúng tôi ngồi với nhau giữa những khó khăn chất chồng, chị lại là người nắm tay tôi như động viên ngược, rằng chị tin những nỗ lực của mình và đồng nghiệp cùng sự vào cuộc của những nhà báo chân chính thì chân tướng vụ việc sẽ được làm rõ.
Người phụ nữ tôi nhắc đến là bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội) - từng là tâm điểm của báo chí trong những ngày bạn đọc cả nước dõi theo cuộc đấu tranh chống tiêu cực tại nơi chị gắn bó hàng chục năm qua. Không ai nghĩ người đàn bà mảnh mai, hiền lành lại dám làm việc quá khó khi đó là phanh phui tiêu cực động trời gây phẫn nộ dư luận cả nước tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Ngày đó Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhận được đơn thư phản ánh: từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, đã có hơn 1.000 phiếu xét nghiệm được “nhân bản”. Trung bình một kết qxuả được sử dụng cho 2-5 bệnh nhân. Thậm chí nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, về lứa tuổi cũng được dùng chung một kết quả xét nghiệm.
Năm 2013, giữa áp lực từ việc tố cáo lãnh đạo bao che cho nhân viên làm sai, bác sĩ Nguyệt vẫn cặm cụi đi học nâng cao tay nghề, không bỏ buổi học nào, vẫn tỉ mẩn thu thập bằng chứng để đưa sự việc ra ánh sáng. Hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi dọa nạt không khiến chị nản chí, xao lòng. Suốt thời gian đeo đuổi hòng đem sự thật phơi bày ra ánh sáng, chị giảm 5-6kg, tóc bạc đi, thiếu ngủ triền miên, mất cả những mối quan hệ mà trước đó ngỡ như thân tình. Vậy nhưng, bao cuộc hẹn gặp hay gọi điện nói chuyện, chưa một lần tôi thấy chị tỏ ra ân hận vì đã đứng ra làm việc mạo hiểm, ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe bản thân như vậy.
Bản lĩnh, can trường
Khi nhắc lại hơn 300 ngày giông bão của cuộc đời mình, giọng chị chùng xuống. Từng nhiều lần chứng kiến người phụ nữ này rơi lệ trong quá trình chị đưa sự thật ra ánh sáng nên lần gặp lại này cho tôi hiểu, trong ánh mắt ấy luôn chất chứa niềm hạnh phúc vô bờ bởi khát khao và niềm tin vững bền vào sự công minh của pháp luật. Và niềm tin ấy chưa từng bị xói mòn bởi những khắc nghiệt trong cuộc chiến đấu không cân sức năm ấy.
Thường trong những vụ việc như thế này, nhiều người sẽ “mũ ni che tai” để tránh liên lụy, trả thù. Còn bác sĩ Nguyệt lại chọn cho mình một lối đi riêng: “Chắc chắn tôi đặt ra việc có thể bị trả thù. Tôi biết việc đấu tranh với sai trái trong xã hội sẽ bị đe dọa, nhưng không thể lường được sẽ nguy hiểm thế nào. Lúc bắt đầu tố cáo tôi nhận được tin nhắn là giám đốc nhiều tiền sẽ không bị sao, nghe dư luận bắn tin tới đe dọa. Không thiếu sự ghét bỏ của đồng nghiệp bị chúng tôi tố cáo. Điều đó diễn ra hằng ngày trong suốt nhiều tháng”.
Chị xác định điều đó sẽ đến và sẵn sàng đương đầu. “Tôi biết mình sẽ phải trả giá nhưng tôi chấp nhận và dám hi sinh để tìm lại lẽ phải bởi tôi nghĩ nếu tôi có niềm tin, cái đúng sẽ được ủng hộ, dám dũng cảm đối đầu với người sai phạm thì mình sẽ thành công. Điều đó thôi thúc tôi vượt qua mệt mỏi để chiến đấu đến cùng. Tôi biết, có nhiều đồng nghiệp cũng ủng hộ tôi nhưng họ không dám công khai điều đó, họ thực sự sợ giám đốc. Có những người dù sợ nhưng vẫn âm thầm ủng hộ tôi bằng ánh mắt ấm áp, sẻ chia. Đó cũng là sức mạnh để tôi vững tin đi qua những khó khăn, mệt mỏi”, bác sĩ Nguyệt nhớ lại khoảng thời gian nhiều áp lực nhất cuộc đời mình.
Nhưng với chị những áp lực đó không thấm tháp gì so với sự lo lắng của các bệnh nhân bị dùng kết quả xét nghiệm “nhân bản” để chữa bệnh. Là bác sĩ, hơn ai hết chị hiểu họ thật tội nghiệp khi bệnh tật đang hành hạ mà lại phải cầm trong tay kết quả không đúng. “Tôi đã nhiều đêm mất ngủ. Nếu không có người đấu tranh thì những người sai phạm sẽ tiếp tục trượt dài, bệnh nhân là người bị thiệt thòi nhất. Nếu tôi mệt mỏi mà nản chí, bỏ cuộc thì khác gì mình đồng lõa với cái sai của đồng nghiệp, sẽ trượt theo họ. Lương tâm tôi không cho phép nản, không được dừng lại. Thật ra, tôi luôn sống trong lo lắng, căng thẳng, và thật lòng không mong muốn các đồng nghiệp bị kết án nặng. Chỉ mong những người đã làm việc sai trái hãy biết dừng lại”, chị nói mà gương mặt vẫn còn đó thoáng ưu tư.
Ở người phụ nữ với đôi mắt buồn tựa mặt hồ mùa thu ấy là tính nhẫn nại và niềm tin tuyệt đối vào công bằng, chính nghĩa. Đó là sức mạnh để vươn lên dù biết khó khăn đợi chờ mình. Ngày tòa tuyên án, xen trong niềm vui lặng lẽ vì bao khổ cực trong quá trình đấu tranh được sáng tỏ, tôi không tìm thấy nụ cười nào trên gương mặt chị, bởi, thẳm sâu chị thấy thương xót cho những đồng nghiệp của mình đã chọn sai đường.
“Thực ra khi quyết định đưa sự việc ra ánh sáng tôi đã rất tin là thành công. Tôi thấy các bạn phóng viên là những người có lương tâm, không quản mưa bão vẫn lao theo để đi thực tế, thẳng thắn lên tiếng. Tôi rất cảm ơn báo chí vì nếu không có các bạn thì một mình tôi chưa chắc đã thành công. Nhờ các bạn mà vụ việc được nhiều người biết và chia sẻ”.Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt
Tôi về lại nhà chị, nơi năm xưa chúng tôi nhiều lần ngồi trò chuyện, bàn bạc với muôn trùng lo âu. Vẫn bộ bàn ghế đó, vẫn góc sân, khoảng trời ấy nhưng tâm thế giờ đã khác xưa. Vừa cắm những bông hoa xinh xắn hái ngoài vườn vào chiếc lọ nhỏ, bác sĩ Nguyệt bảo: “Nếu phải làm lại, mình vẫn sẽ lựa đi theo con đường mà mình đã chọn. Vẫn biết là phụ nữ nên thiệt thòi, khó khăn sẽ nhiều hơn, thời gian dành cho gia đình bị rút ngắn lại. Nhưng trước sự việc sai phạm đó mình chấp nhận hi sinh vì lẽ phải, vì lương tâm đạo đức nghề nghiệp. Mình không muốn nói nhiều về cuộc đấu tranh đó, bởi nó là nỗi đau, là thương tổn mà mình và đồng nghiệp cùng gánh chịu. Nhưng thực lòng mình nghĩ, nhìn lại những ngày đã qua để sống tốt hơn, để không bao giờ lặp lại sai lầm, mong những đồng nghiệp hiểu được mong muốn đó của mình”.
Lần gặp gần đây, nhắc lại những ngày gian khó mà mắt chúng tôi nhoè lệ. Tôi thấy giọng chị có lúc nghẹn lại và rồi qua giây phút rất phụ nữ ấy lại thấy chị đúng là chị, mạnh mẽ và kiên cường. Công việc may mắn cho tôi gặp được những con người cương trực như bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, điều đó như liều thuốc bổ tinh thần giúp tôi tin những điều tốt đẹp luôn có thật giữa cuộc đời này.
Người ta hay nói muốn đi xa thì phải nhiều người đi cùng nhau. Con đường những người như chị đi, đâu có thông suốt lẫn vội vàng được. Nhìn lại, dẫu có chông gai, nhưng chị không độc hành. Nhà báo, bạn đọc, những người chính trực đã lặng lẽ hay công khai ủng hộ chị, để sự tử tế, lẽ phải không chìm xuống. Niềm tin là khối đá bất hoại. Có lẽ vì thế, báo chí và những người như chị, tồn tại và tỏa sáng...