>Sáp nhập Vinaphone-MobiFone: Lợi & hại
>Lợi ích tập đoàn
Bài học từ Nhật Bản
Tại hội thảo Chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp do Cục Quản lý Cạnh tranh của Bộ Công thương, JICA tổ chức cuối tuần qua, giáo sư Akinori Uesgi, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC) nêu dẫn chứng về vụ sáp nhập giữa hai công ty thép Fuji và Yawata thành công ty Nippon. Việc sáp nhập ban đầu có vẻ rất tốt vì nó tạo ra một doanh nghiệp mạnh của quốc gia. Tuy nhiên, sau một thời gian sáp nhập, công ty thép có vị trí thống lĩnh và họ bắt đầu tăng giá đầu vào. Điều này tạo ra những xung đột lợi ích mà điển hình các công ty ô tô không chấp nhận việc tăng giá đó. Việc thống trị của doanh nghiệp trong ngành cũng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Để giảm bớt áp lực, cơ quan của chính phủ phải mở cửa thị trường thép cho các công ty nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Cũng theo GS Uesgi, có nhiều yếu tố phải tính đến chứ không chỉ ở khía cạnh thị phần khi sáp nhập các doanh nghiệp. Việc sáp nhập phải đảm bảo tăng được năng suất, hỗ trợ giảm chi phí, hỗ trợ năng lực của một công ty để mở rộng thị trường đó mới là sáp nhập hiệu quả. Với trường hợp VinaPhone và MobiFone là đơn vị trong cùng VNPT nên cần xem xét việc sáp nhập ảnh hưởng như thế nào đến việc cạnh tranh trên thị trường. Nếu việc sáp nhập ảnh hưởng đến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác thì cũng cần phải xem xét.
“Với bất kỳ vụ sáp nhập nào phải đảm bảo khuyến khích được cạnh tranh chứ không phải làm giảm cạnh tranh. Với trường hợp MobiFone và Vinaphone là việc sáp nhập giữa hai công ty con, sáp nhập nội bộ. Theo quy định của Nhật Bản thì không có mối lo ngại về cạnh tranh vì đó là hai công ty con của công ty mẹ. Tuy nhiên, công ty mẹ phải có báo đánh giá tác động từ việc sáp nhập này và gửi báo cáo lên cơ quan quản lý cạnh tranh. Đơn vị quản lý cạnh tranh cũng cần giám sát theo dõi chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi sáp nhập”- GS Uesgi nói.
Phải cổ phần hóa
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa nhận được phương án tái cấu trúc các doanh nghiệp của VNPT. Tuy nhiên nếu VNPT muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone tạo thành doanh nghiệp nắm hơn 50% thị phần thì sẽ nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 19 Luật Cạnh tranh cũng quy định 2 trường hợp miễn trừ đối với hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Theo đó, việc sáp nhập vẫn sẽ được thực hiện nếu một trong hai đối tượng chuẩn bị thực hiện việc sáp nhập có nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản hoặc việc sáp nhập giúp doanh nghiệp sau khi sáp nhập mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ…
Nếu VNPT vẫn muốn tái cấu trúc tập đoàn theo cách sáp nhập hai doanh nghiệp với nhau thì sẽ phải xin được miễn trừ. “Trong trường hợp hai doanh nghiệp có phương án sáp nhập thì phải tuân thủ Luật Cạnh tranh và Luật Viễn thông. Trên cơ sở đó Bộ TT&TT và Bộ Công thương cũng sẽ xem xét trường hợp sáp nhập của VNPT có thuộc loại được miễn trừ hay không và sau đó Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng quyết định có cho áp dụng việc miễn trừ hay không”- ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, nếu thị trường di động duy trì được 3 mạng di động có thị phần tương đương nhau là tốt nhất cho việc cạnh tranh. Trong trường hợp chỉ còn hai mạng di động thì chính sách quản lý cạnh tranh phải được áp dụng chặt chẽ để chống các hành vi vi phạm cạnh tranh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Vụ phó Vụ Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng cho rằng, tái cấu trúc phải đảm bảo theo luật nhưng với trường hợp của VNPT, nếu làm theo Luật Cạnh tranh thì trái với Luật Viễn thông và ngược lại. Theo Luật Viễn thông, một doanh nghiệp không được sở hữu quá 20% cổ phần tại một doanh nghiệp khác hoạt động cùng ngành nghề còn nếu sáp nhập thì sẽ trở thành mạng nắm giữ gần 60% thị phần, lại trái với Luật cạnh tranh.
Trường hợp này, Bộ TT-TT phải cân nhắc kỹ các yếu tố trước khi đề xuất sáp nhập hai mạng. Còn ở đây trước tiên phải chiếu theo luật chuyên ngành trước (Luật Viễn thông-PV). Luật chuyên ngành ở đây là vì lợi ích của xã hội trước tiên. “Luật gì thì luật cũng phải đảm bảo lợi ích của người dân. Còn việc đảm bảo cạnh tranh cũng nhằm giúp người dân được hưởng giá rẻ nhờ cạnh tranh, hiệu quả, chất lượng cao”- Ông Tiền nói.
Nên cách lựa chọn đúng pháp luật nhất, là buộc VNPT phải cổ phần hoá MobiFone, thoái bớt vốn, chỉ khi đó mới không vi phạm pháp luật về viễn thông, cũng như Luật cạnh tranh.
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 do Bộ TT-TT xây dựng, ở mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, internet băng rộng... phải đảm bảo thông qua các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp, để có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh.