Chế Linh: Gừng càng già càng cay

TP - Chế Linh hẳn là trường hợp điển hình “gừng càng già càng cay” khi ở tuổi 72 vẫn đảm nhiệm tốt chương trình riêng trong sự tín nhiệm của khán giả. Ông có những bảo bối nào để giữ cho hậu sự nghiệp vẫn tiếp tục phát?
Chế Linh nói với giọng ca trẻ Hà Thu Hiền: “Em ráng đóng với anh làm người tình trên sân khấu…”. Ảnh: Hải Bá

Đêm diễn Chế Linh 10 năm tình cũ quy tụ dàn ca sĩ khá hoành tráng nhưng mỗi người chỉ đơn ca 1 bài, 3 nữ ca sĩ song ca với Chế Linh được bài rưỡi. Lệ Quyên được ưu ái ca thêm bài nữa với Quang Lê. Còn lại, Chế Linh đảm nhiệm toàn bộ đêm diễn dài 4 tiếng.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên mất công bay từ Mỹ về cũng chỉ ra vài ba lần nói vài ba câu đa phần là nhạt nhẽo. Mở đầu chương trình, chị biến tấu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba… bán nhà.”

Ăn chơi thì phải bán nhà đúng rồi. Sau đó chị trấn an, thời buổi bất động sản đóng băng, bán được nhà là mừng. Cũng phải! Tiếp theo là một lời chúc năm mới đặc biệt mà chị phải mở giấy ra đọc: “Đau đầu vì nhà giàu, mệt mỏi vì học giỏi…”. 

Tưởng gì chứ cái này dân mạng chúc nhau từ mấy năm trước. Màn tung hứng về đặc sản Bắc Ninh “Chim to dần”, chốt hạ bằng câu của MC Phan Anh (anh trai MC Tuấn Tú chứ không phải người dẫn Idol): “Ở đâu có gì to, Hà Nội to hơn!” chẳng liên quan đến không khí đêm nhạc, dù là nhạc Chế Linh đi chăng nữa!

Được biết đây là lần thứ tư trong vòng 3 năm Chế Linh làm đêm nhạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia sức chứa hơn 3.700 ghế. Tối 1/3, không biết tầng trên thế nào, chứ tầng dưới kín khán giả- một kỷ lục với giọng ca 72 tuổi. 

Không những ông còn giọng để hát mà khán giả cũng vẫn rất mong chờ để được nghe. Lời đầu tiên, Chế Linh cảm ơn các cấp chính quyền “đã cho Chế Linh được toàn vẹn buổi diễn”. Chắc hẳn ý ông là “tạo điều kiện để buổi diễn được toàn vẹn”.

Trong chương trình, Chế Linh hát phần lớn những bài tự sáng tác, mở đầu bằng Xin yêu tôi bằng cả tình người, kết thúc bằng bài chủ đề, nhưng trước đó là Lời cho người tình phụ với những câu: “Cuối cùng thì mình vẫn thế, có sao đâu…”- áp dụng vào số phận người hát có vẻ hơi hợp.

Suốt đêm diễn, chỉ có đôi chỗ ở phần đầu là giọng ông hơi bị lạc một tẹo- vì kiểu hát liên khúc, vừa dứt bài này đã vào cao trào bài khác, còn nhìn chung đạt chất lượng, thậm chí càng về cuối càng mùi mẫn. Đúng là lần hát đầu tiên của Chế Linh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, âm thanh không được to rõ bằng lần này. 

Màn hình lần này cũng nét hơn. Riêng kiểu kết hợp giữa hát và diễn thời trang thì vẫn được phát huy. Trong khi Chế Linh hát Đêm đông, 3 đôi nam nữ trong trang phục không phải mùa đông (2 đôi mặc tân thời, đôi còn lại chẳng hiểu sao mặc kiểu quan họ) cứ giễu qua giễu lại sân khấu. 

Chắc hẳn đây là dàn người mẫu hải ngoại mà nhà tổ chức giới thiệu. Dàn trai gái cao cỡ mét tám ăn vận bóng bẩy làm nổi bật dáng ông già nhỏ thó trong bộ complet đen lụng thụng, chứ thực ra Chế Linh trẻ nhiều so với tuổi.

Một trong những lý lẽ mà các thầy dạy thanh nhạc theo kiểu phương Tây dùng để khuyến khích lớp trẻ là học để giữ được giọng đến già. Nhưng Chế Linh hát có thể nói hoàn toàn theo kiểu ta, mà đến giờ giọng cũng vẫn xài tốt. Và điều quan trọng là ông vẫn làm nghề mạnh, trong khi các bậc thầy thanh nhạc tuổi đó đã hưu từ lâu, dù có thể giọng vẫn khỏe.

Khán giả đến với ông là điều hiển nhiên. Vì cách hát của ông gần gũi với cách phát âm truyền thống của tiếng Việt. Để ý sẽ thấy các ca sĩ Việt Nam nửa thế kỷ trước (khi chưa có Nhạc viện đào tạo kiểu Tây) phát âm tiếng Việt khác với ngày nay, nó gần với tiêu chuẩn “tròn vành rõ chữ” của các cụ, nên nghe gợi cảm giác thân thương.

Các kỹ thuật xử lý (luyến láy) của Chế Linh cũng gần gũi với dân ca. Và một lý do quan trọng nữa là trạng thái cảm xúc buồn nản đến cực độ hầu như chỉ còn tìm thấy trong lời hát, cách hát Chế Linh.

Về cách hát thì hiện nay Chế Linh đang là chủ soái một trường phái mà có rất ít truyền nhân. Quang Lê hát: “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi” nghe chả buồn gì mấy. Chế Linh cất lời: “Hơi ấm trao em tuổi thơ ngây, tưởng như còn đây”, bỗng thấy lòng thổn thức. 

Đúng là ông đã thổi hồn vào câu hát. Không có nghĩa là những ca sĩ khác hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa vô hồn, mà là vì đặt cạnh Chế Linh, họ thành ra hát cùng một kiểu. 

Tóm lại, ông đang sở hữu nhiều bảo bối mà đa phần các ca sĩ hôm nay- cả trẻ lẫn già- đều ít có. Chưa bàn đến cái gọi là sang- sến, hàn lâm hay bình dân, cái gì hiếm thì theo luật cung cầu, nó sẽ dễ đắt hàng.

Trong đêm 10 năm tình cũ, Chế Linh có giới thiệu một “đại diện khán giả Hà Nội” hát cùng ông Thành phố buồn: Trường Tuấn. Tuấn có vẻ triển vọng nối gót Chế Linh, về độ chảy thậm chí còn hơn.

Nhân trường hợp này, Chế Linh nói: “Tôi muốn trên những chặng đường đi hát, tìm những giọng hát của quê hương mình khắp nơi. Chúng tôi càng ngày càng lớn, càng ngày càng không còn nữa, thì còn có các em có sự tiếp nối làm công tác nghệ thuật nước nhà”. Thậm chí, ông còn tham vọng “công tác” đó phát triển tầm quốc tế. Bao giờ thì nhạc vàng được coi là một “cái lạ” của Việt Nam? Chứ còn ta cứ bày đặt chơi pop-rock… thì cũng vẫn là học trò của Tây mà thôi.

Sau một thời gian chạy theo các giá trị “thời đại”, chúng ta đã có lúc bỏ quên một dòng nhạc, một lối hát. Bây giờ một số người vẫn tỏ ra lo lắng khi nhạc sến, nhạc vàng sống lại. Cái tinh thần kỳ thị không hiểu sao vẫn còn dai dẳng thế… Nhưng thực ra họ có thể mừng. Vì nó sống ở cái vỏ thôi. Các ca sĩ ngày nay có thể hát bài của Chế Linh nhưng hầu hết đã bị pha với lối hát cộng minh của Tây cả.