'Chạy' quốc tịch ngoại cho con: Vỡ mộng?

TP - Với không ít người, việc con có quốc tịch ngoại là điều bất khả kháng, giữ thể diện, hoặc đó là mưu lợi cá nhân của bậc phụ huynh.

Trốn… thị phi

Hầu hết thời gian đầu khi mang thai, sao Việt thường được truyền thông quan tâm một cách thái quá. Nhất là đối với những nghệ sĩ nữ theo xu hướng “single mom” thường phải chịu “búa rìu dư luận”, áp lực đè nặng khi họ luôn bị gièm pha, bị tạo dựng những scandal ác ý, soi mói “cha của đứa bé là ai?”. Khi tin đồn càng ngày càng lan nhanh thì việc sang nước ngoài du lịch là một giải pháp tốt để họ có thể an tâm dưỡng thai và lên kế hoạch sinh nở an toàn. 

Ca sĩ A. khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp bỗng dừng tất cả mọi hoạt động. Rồi đùng một cái, cô thông báo mình đã sinh con ở Mỹ. Và hình ảnh cô đăng lên trang cá nhân là một đứa bé không rõ mặt. Nữ ca sĩ cũng úp mở việc đã đăng ký kết hôn với bố đứa trẻ tại Mỹ. Thế nhưng, nhiều thông tin hành lang cho biết ca sĩ A. mang thai với một đại gia đã có vợ nào đó, nhằm tránh sự soi mói của truyền thông nên đành phải ra nước ngoài sinh con.

Hay cô hotgirl B. mặc dù đã có 2 con nhưng người ta vẫn không biết mặt ông xã cô là ai, cô mang thai lúc nào. Lý do, từ lúc mang thai đến khi hạ sinh, cô đều bay ra nước ngoài “vượt cạn”. Hai đứa con đều có quốc tịch ngoại nhưng cô này đều nuôi dạy ở Việt Nam, thậm chí cũng không có ý định cho con ra nước ngoài sinh sống để được hưởng các quyền lợi của quốc gia đó.
Chuyện quan chức, đại gia có con ngoài giá thú hoặc sinh con thứ 3 cũng không phải là chuyện hiếm. Để “giữ” ghế cũng như danh tiếng của mình, họ chơi chiêu đưa thai phụ ra nước ngoài sinh nở. Sau đó làm thủ tục nhận con nuôi. Vậy là đứa bé trở thành con hợp pháp của vị này. Đó là chưa tính đến chuyện nhiều người còn nghĩ đến việc tẩu tán tài sản cho đứa con mang quốc tịch ngoại này nếu chẳng may có sự cố xảy ra.

Nhiều mẹ bầu đặt kỳ vọng có con quốc tịch ngoại để rộng đường tương lai, bảo lãnh gia đình

Có quốc tịch ngoại vẫn đi ăn xin

Nhiều cha mẹ khi “chạy” quốc tịch ngoại cho con đều nghĩ đơn giản, khi đã trở thành công dân của cường quốc đó thì sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc định cư, xin việc. Nhưng trên thực tế là vẫn có rất nhiều người dù đã nhập cư, có quốc tịch hàng chục năm vẫn lận đận, không có việc làm ổn định.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM: Người muốn ra nước ngoài để hưởng phúc lợi thì không hề đơn giản. Hình thức ra nước ngoài định cư không phải là mới. Muốn ở lại đòi hỏi người đó phải có kỹ năng và nhiều đòi hỏi khác”.

Hiện, có một số quốc gia chấp nhận không hạn chế quyền công dân của trẻ sơ sinh là Canada, Argentina, Chile, Costa Rica…; chấp nhận có hạn chế là yêu cầu cha hoặc mẹ của người được sinh ra tại quốc gia đó có quốc tịch/thường trú tại nước đó gồm Australia, Pháp, Đức, New Zealand, Anh…

Đối với Mỹ, trước đây điều 14 Hiến pháp Mỹ cho phép những người sinh ra tại Mỹ hoặc nhập tịch Mỹ thì thuộc chính quyền Mỹ, trở thành công dân Mỹ. Nhưng nay, Mỹ đang siết chặt số người nhập cư theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Vị Tổng thống này từng hứa sẽ trục xuất phần lớn trong số 11 triệu người đang sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ, bất kể cả việc có rất nhiều trong số này đã sống ổn định tại Mỹ hàng chục năm, có công việc ổn định và đã lập gia đình, sinh con đẻ cái.

Đặt nặng trách nhiệm lên vai một đứa trẻ?

Chia sẻ quan điểm mẹ bầu Việt có nên “xuất ngoại sinh con”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh, không nên để mẹ Việt ra nước ngoài sinh con. Miền đất hứa đó nay đã quá chặt chẽ mà nhiều người không thể đáp ứng. Theo ông, quốc tịch “ngoại” đó không giải quyết được gì cả, không thể bảo lãnh được gia đình như nhiều người vọng tưởng.

“Tôi đã từng đi công tác ở rất nhiều nước. Ở đó, tôi biết có nhiều người có quốc tịch bản quốc nhưng vẫn phải đi ăn xin vì không được tiếp nhận lao động, không có việc làm. Do đó, dù được nhập tịch đi chăng nữa thì vẫn phải đòi hỏi năng lực, trình độ, kỹ năng chứ không thể suy nghĩ có quốc tịch ngoại sẽ thuận lợi cho việc du học, việc làm, bảo lãnh gia đình…” - Luật sư Hậu khẳng định.

Chuyện quan chức, đại gia có con ngoài giá thú hoặc sinh con thứ 3 cũng không phải là chuyện hiếm. Để “giữ” ghế cũng như danh tiếng của mình, họ chơi chiêu đưa thai phụ ra nước ngoài sinh nở. Sau đó làm thủ tục nhận con nuôi.

Có rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện áp dụng nguyên tắc quyền nơi sinh. Theo đó, trẻ sơ sinh sinh ra trên lãnh thổ nước nào thì mang quốc tịch nước đó, không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ chúng. Nguyên tắc này cũng bộc lộ hạn chế, đó là dẫn đến sự gia tăng hiện tượng 2 hay nhiều quốc tịch của công dân.

Còn ở hầu hết các quốc gia châu Á đều áp dụng nguyên tắc huyết thống cho trẻ sơ sinh, tức là trẻ em khi sinh ra đều có quốc tịch theo quốc tịch của cha mẹ, không phụ thuộc vào nơi trẻ được sinh ra. Hạn chế của nguyên tắc này là chưa đưa ra được hướng giải quyết trong trường hợp cha mẹ của đứa trẻ là những người không quốc tịch, hoặc không xác định được quốc tịch thì không thể xác định được quốc tịch cho trẻ theo nguyên tắc này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu