> Quảng Ngãi: Họp khẩn chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy
Ngọn lửa oan nghiệt
Chị Trần Thị Hải Vân (32 tuổi), chủ sạp vải quần áo, cho biết: Khoảng 5 giờ 30, chị chở con xuống Quảng trường Phạm Văn Đồng để tặng hoa các thanh niên của thành phố lên đường nhập ngũ, nhưng vừa dắt xe ra khỏi nhà thì thấy khói đen nghịt bay lên bao phủ cả bầu trời thành phố. Chị liền chạy xe thẳng đến chợ thì ngọn lửa đã lan ra cả khu chợ.
“Thế là bao nhiêu tài sản vốn liếng dành dụm bấy lâu nay trên 1 tỷ đồng bỗng chốc thành tro bụi” - chị Vân kể. Chị Huệ - chủ sạp vải thì ngất lịm khi nghe tin chợ bị cháy. Người thân chị Huệ cho biết, để mở cửa kinh doanh đầu năm, chị Huệ vừa nhập về một lượng lớn vải quần áo, cùng lượng vải còn lại trong năm trị giá trên 450 triệu đồng, nay đã cháy không còn một rẻo. Sổ ghi nợ và giấy tờ nhà cửa để lại ở quầy hàng giờ cũng không còn.
Chủ sạp hàng kem phấn Lâm Thị Tú ở phường Trần Hưng Đạo, nhà cách chợ chưa đầy 15 mét nhưng cũng đành đứng nhìn sạp hàng trị giá trên 200 triệu đồng chìm trong biển lửa. Ông Nguyễn Minh Châu, Tổ trưởng tổ 5, phường Nguyễn Nghiêm, kể: Khoảng 5 giờ kém 20 nhận tin chợ bị cháy, tôi điện thoại cho 30 tiểu thương đến nhưng tất cả đều không làm được gì bởi ngọn lửa bùng phát dữ dội. Họ chỉ biết đứng nhìn và khóc.
Có mặt tại hiện trường vụ cháy, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tăng Bính cho biết, khu chợ có gần 700 sạp kinh doanh của 424 hộ, trong đó có 512 sạp kinh doanh bên trong chợ bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Theo tính toán sơ bộ, tổng thiệt hại của vụ cháy này ước khoảng 200 tỷ đồng.
Ban quản lý chợ phớt lờ dư luận
Chợ Trung tâm Quảng Ngãi được chuyển giao cho Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi quản lý, đầu tư và kinh doanh. Năm 2011, để xây dựng khu phía sau của chợ trung tâm, Cty đã dựng một số ki ốt xung quanh đường vào chợ, bị dư luận phản ứng vì gây ách tắc giao thông và khó tiếp cận hiện trường khi có cháy nổ. Những lo ngại đó đã xảy ra trong vụ cháy này.
Lực lượng PCCC Công an tỉnh Quảng Ngãi đã điều hơn 10 xe chữa cháy và trên 200 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường (có sự hỗ trợ của Công an PCCC tỉnh Quảng Nam), nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận được khu vực cháy. Gần 9 giờ sáng cùng ngày mới cơ bản khống chế được ngọn lửa. Cuối giờ chiều qua, lực lượng công an vẫn chưa tiếp cận được tầng 2 của khu chợ - nơi phát cháy, do bên trong còn bốc khói.
Có mặt tại hiện trường ngay thời điểm xảy ra vụ cháy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu nhanh chóng dập tắt lửa, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực chợ; huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên, dân quân tự vệ tham gia bảo vệ, giúp bà con tiểu thương thu gom tài sản còn lại.
Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ mất mát với bà con tiểu thương; tiến hành rút kinh nghiệm trong công tác PCCC đối với chợ trung tâm nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung và xây dựng phương án đầu tư chợ mới, chợ tạm để phục vụ kinh doanh, buôn bán.
Chiều 9-2, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả của vụ cháy. Theo đó, tỉnh đồng ý để Cty CP Nông sản thực phẩn Quảng Ngãi (đơn vị quản lý chợ) trích trên 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp hỗ trợ cho tiểu thương trong 3 tháng, mỗi tháng 3 triệu đồng/tiểu thương; ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ (1 lần); trích 2,8 tỷ đồng từ nguồn tiền bình ổn giá trong dịp Tết còn lại để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố và đồng ý để UBMT tỉnh trích nguồn kinh phí hỗ trợ thiên tai và kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ bà con tiểu thương.
Lửa thiêu rụi công ty mì ăn liền
Khoảng 4 giờ sáng ngày 9-2, Cty TNHH sản xuất thương mại Phúc Hảo (147 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM) chuyên sản xuất mì ăn liền và thùng carton đã bốc cháy dữ dội.
Sau gần 3 giờ, đám cháy mới được khống chế. Toàn bộ nhà xưởng hơn 5.000m2 và nhiều tài sản, máy móc, vật dụng bị thiêu rụi hoàn toàn.