Châu Á nổi giận trước tin bị Mỹ, Úc do thám

TP - Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á hôm qua yêu cầu Mỹ cùng đồng minh giải thích, sau khi báo chí phương Tây đưa tin nhiều đại sứ quán Mỹ và Úc ở Đông Nam Á bị sử dụng để phục vụ chương trình bí mật thu thập dữ liệu điện tử của Washington.

> Mỹ đánh cắp dữ liệu Google và Yahoo?
> Mỹ nói vòng vo về việc nghe lén điện thoại
> Tại sao Nga không sợ bị NSA nghe lén?

Hàng nghìn người Đức biểu tình hôm 27/10 phản đối Mỹ do thám. Ảnh: Salon.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang sôi sục trước những cáo buộc Mỹ do thám điện thoại của 35 lãnh đạo nước ngoài.

Một tài liệu từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ và được đăng tải trên tạp chí Đức Der Spiegel mô tả, trong chương trình tình báo mang tên “Stateroom”, các đại sứ quán Mỹ, Anh, Úc và Canada được lắp đăt thiết bị giám sát bí mật để thu thập các giao tiếp điện tử. Các nước này và New Zealand đang có thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mang tên “Five Eyes”.

“Trung Quốc cực kỳ quan ngại trước bài báo này, và yêu cầu phải được giải thích và làm sáng tỏ”, AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm qua.

Tập đoàn truyền thông Fairfax của Úc hôm qua đưa tin, các đại sứ quán của nước này ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á tham gia chương trình này. Dựa trên tài liệu của Der Spiegel và phỏng vấn một cựu quan chức tình báo Úc, bài báo của Fairfax nói rằng, các đại sứ quán đó đang bị dùng làm nơi để tiếp cận cuộc gọi điện thoại và dữ liệu internet khắp châu Á.

Trong một thông báo phát đi ngày 31/10, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định, chính phủ của ông “không thể chấp nhận và cực lực phản đối sự tồn tại của những thiết bị nghe lén tại Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta”.

Ông Natalegawa nói: “Cần nhấn mạnh rằng nếu được xác nhận, hành động như vậy không chỉ vi phạm an ninh và còn hủy hoại nghiêm trọng các quy tắc và đạo đức ngoại giao, và chắc chắn là không phù hợp với tinh thần quan hệ hữu hảo giữa các quốc gia”.

Tài liệu mà Snowden tiết lộ viết rằng, các thiết bị giám sát, như ăng-ten, “đôi khi được giấu trong những chỗ khiếm khuyết kiến trúc hoặc kho chứa đồ trên mái nhà”. GS Des Ball, chuyên gia tình báo hàng đầu của Úc, nói với hãng tin AP rằng, ông từng nhìn thấy ăng-ten ngầm tại 5 đại sứ quán nêu trong bài báo của Fairfax. Chuyên gia này từ chối nêu cụ thể tên của các đại sứ quán.

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói rằng, chính phủ nước này coi những cáo buộc nêu trên là vấn đề nghiêm trọng và sẽ điều tra xem liệu Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur có bị sử dụng để do thám hay không. Đảng đối lập ở Malaysia hôm qua thúc giục chính phủ phản đối Đại sứ quán Mỹ và Úc.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, Trung tướng Paradorn Pattanathabutr, nói rằng, chính phủ Thái Lan nói với phía Mỹ rằng, luật pháp Thái Lan coi do thám là tội phạm, và Thái Lan sẽ không hợp tác nếu được đề nghị tham gia do thám.

Theo tài liệu Snowden tiết lộ, các địa điểm do thám thường có quy mô nhỏ và ít nhân viên. “Họ hoạt động ngầm. Về nhiệm vụ thực sự của họ, đa số nhân viên ngoại giao ở cơ sở đó không được biết”. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc từ chối bình luận về những thông tin này. Thủ tướng Úc Tony Abbott chỉ nói rằng, chính phủ của ông không vi phạm bất kỳ luật nào.

Vatican cũng bị nghe lén?

Tài liệu do Snowden tiết lộ còn nói rằng, NSA mỗi ngày thu thập hàng triệu bản dữ liệu về tài khoản khách hàng từ hệ thống của Google và Yahoo! thông qua chương trình “Prism” được tòa án Mỹ cho phép.

Tài liệu nói rằng, NSA truy cập dữ liệu ở một số thời điểm dữ liệu được truyền qua cáp quang và thiết bị mạng kết nối những trung tâm dữ liệu của hai công ty này, chứ không nhằm vào máy chủ của họ.

Thông tin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi phái đoàn quan chức tình báo Đức đến Washington để đối thoại với Nhà Trắng trước cáo buộc Mỹ theo dõi điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tạp chí Panorama của Ý hôm qua đăng bài nói rằng, NSA nghe lén cả các cuộc điện thoại của Vatican khi Tòa thánh đang cân nhắc lựa chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict. Những cuộc gọi này bị chia làm 4 nhóm: ý định của lãnh đạo, đe dọa đối với hệ thống tài chính, mục tiêu trong chính sách ngoại giao và nhân quyền. Tạp chí Ý không trích dẫn nguồn tin nào.

Hai tờ báo Ý là La Stampa Corriere della Sera hôm qua dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cáo buộc Nga dùng ổ USB, cáp sạc điện thoại để thu thập dữ liệu máy tính và điện thoại của các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố St Peterburg hồi đầu năm. Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, những cáo buộc này là nhằm đánh lạc hướng chú ý trước những tranh cãi xung quanh chương trình do thám của NSA.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy