Charlie Nguyễn trần tình về đồng tính trong 'Để Mai Tính 2'

Theo vị đạo diễn, các ý kiến cho rằng “Để Mai Tính 2” mượn yếu tố đồng tính để chọc cười khán giả là nhận định không chính xác.
Nhân vật Hội của Thái Hòa trong "Để Mai Tính 2" đang nhận làn sóng phản đối từ cộng đồng LGBT.

- Gần đây nhiều phim Việt bị cho là lạm dụng yếu tố đồng tính để chọc cười khán giả, gây phản cảm. Nhân vật chính trong “Để Mai Tính 2” cũng là một người đồng tính. Anh đã tiết chế như thế nào để phim không rơi vào phản cảm, quá lố?

- Khi nhân vật Hội làm điều gì đó mắc cười, cộng đồng LGBT có thể nói rằng chúng tôi đang lấy nhân vật đồng tính ra để chọc cười khán giả. Khi họ nói vậy, họ không nghĩ là Thái Hòa đóng vai nào - từ Tèo Em, cu Hù hay Long Ruồi - cũng chọc cười chứ không phải chỉ có vai đồng tính này. Đây là một bộ phim hài, nhân vật bắt buộc phải rơi vào những tình huống mà hành động của họ tạo nên tiếng cười cho khán giả. Các ý kiến cho rằng tôi mượn yếu tố đồng tính để tạo tiếng cười là một định kiến, một cách nhìn nhận không chính xác.

Tiếng cười trong phim hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật, kịch bản và diễn viên chứ không phải vì nhân vật đồng tính mà người ta cười. Nếu tôi chọn một nhân vật đồng tính vào đóng vai Hội, liệu khán giả có cười được không? Tôi chắc là không. Người ta cười vì cái duyên của diễn viên chứ không cười vì đó là nhân vật đồng tính. Một điều nữa là khi xây dựng một nhân vật đồng tính, tôi luôn chú ý tạo chiều sâu cho nhân vật.

Trải qua một cuộc hành trình, Hội cũng biết đau, biết khổ, biết thương, biết nhớ. Qua tất cả những cảm xúc mà Hội có, khán giả có thể đồng cảm, liên hệ với nhân vật được. Tôi nghĩ miêu tả nhân vật một cách trân trọng, kể về nó một cách chân thật nhất, mình sẽ hạn chế được sự phản cảm.

- “Để Mai Tính 2” đánh dấu lần hợp tác thứ năm của anh với Thái Hòa. Dường như đến nay, Thái Hòa vẫn là con át chủ bài của anh trong những phim hài?

- Khi Thái Hòa xuất hiện trong Để Mai Tính, rất nhiều người đã bị bất ngờ. Trước đó Hòa đã góp mặt trong một vài phim nhưng ở thời điểm ấy, người ta vẫn chưa nhận ra được cái tài, cái duyên của Hòa. Sự nghiệp điện ảnh của anh ấy, có thể nói, chỉ thực sự bắt đầu từ Để Mai Tính.

Đạo diễn Charlie Nguyễn trong buổi ra mắt phim "Để Mai Tính 2".

Sau lần hợp tác đó, chúng tôi nhận ra rằng hai người rất hợp nhau. Tôi nghĩ ra một ý tưởng gì, Hòa có thể khiến cho ý tưởng đó hay hơn. Hòa nghĩ ra một cái gì đó, tôi có thể hoàn thiện ý tưởng ấy thành một câu chuyện. Hòa có thế mạnh của Hòa, tôi có ưu điểm của tôi. Những bộ phim mà chúng tôi hợp tác với nhau là sự cộng hưởng của hai khối chất xám, hai khối sáng tạo. May mắn là những bộ phim ấy đều nhận được sự hưởng ứng của khán giả. Có lẽ vì thế mà chúng tôi vẫn thường xuyên hợp tác với nhau.

- Anh từng nói anh và Thái Hòa khi ngồi với nhau thường nghĩ ra những ý tưởng quái quái. Anh có thể lấy một ví dụ?

- Tôi có thể bảo Hòa là tôi muốn làm phim về một anh chàng cực giàu, giàu nhất Việt Nam, đẹp trai nhất Việt Nam và còn độc thân. Bao nhiêu cô gái muốn lọt vào mắt xanh của anh chàng nhưng anh ta thì lại nghĩ rằng những cô gái ấy đều đến vì mình có tiền chứ không phải vì con người bên trong. Anh ta muốn đi tìm một cô vợ thực sự yêu anh vì tâm hồn chứ không phải vì vật chất bề ngoài. Anh ta phải làm sao? Anh ta phải giải phẫu cho mình xấu đi, giả dạng thành một con người hết sức bình thường như Thái Hòa chẳng hạn. Tôi nói vậy, Hòa sẽ góp ý vào. Hai cái đầu sẽ nghĩ ra những cái mà một cái đầu không nghĩ ra nổi.

- Anh có thể tiết lộ thêm về dự án “Tèo Em 2”?

- Chúng tôi cũng đang bàn về dự án đó. Đề cương thì đã có rồi nhưng chưa có kịch bản. Tuy nhiên nếu có làm Tèo Em 2 thì cũng phải đầu năm 2016 vì sắp tới Thái Hòa sẽ làm phim với Hàm Trần. Xong phim với Hàm Trần rồi, Hòa mới rảnh để làm phim với tôi.

- Hai phim liên tiếp đều là phần hai của những bộ phim ăn khách trước đó. Anh nghĩ gì nếu có ý kiến cho rằng thời gian này Charlie Nguyễn chỉ chuyên làm phim ăn theo?

- Làm phim ăn theo phim trước là một lợi thế. Người ta nói gì kệ người ta nói. Lời nói đâu có tác động đến điều nên hay không nên làm đâu. Điều quyết định nằm ở câu chuyện, ở nhân vật. Câu chuyện này có làm mình thích thú, làm mình sướng không? Mình có thấy cần phải kể không? Nhân vật này mình có thương nó không, khán giả có thích nó không? Những gì nó làm có mang lại ý nghĩa gì không? Những câu hỏi đó chúng tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định theo đuổi một dự án nào đó. Chúng tôi không nghĩ ra ngoài, không nhìn ngang, nhìn dọc, nhìn lên, nhìn xuống xem thiên hạ nghĩ gì.

- Ngoài đời, nhiều người nhận xét anh là một người rất nghiêm nghị. Anh nghĩ sao khi mình lại có duyên với phim hài?

- Chính tôi cũng không hiểu sao. Tôi không phải là người hài hước và trong đám đông, tôi cũng là người rất ít nói. Nếu bạn thân với tôi ngoài đời, bạn cũng sẽ thấy tôi không bao giờ làm cái gì cho bạn cười được cả. Nhưng làm phim hài lại khác. Làm sao để đặt nhân vật trong một tình huống hài, cài những chi tiết gì, thắt nút gì, mở nút gì, dàn dựng như thế nào là những kiến thức mà nếu người ta muốn học, người ta có thể học được. Tuy nhiên, trở thành diễn viên hài thì lại là một thứ gần như không thể học. Nó phụ thuộc vào cái duyên trời ban, một may mắn rơi xuống đầu ai thì người đó được.

Trong ngày đầu tiên ra rạp, "Để Mai Tính 2" đã thu về tới 5,7 tỷ đồng với 71.766 khán giả đi xem, vượt mặt kỷ lục của "Tèo Em" (hơn 4 tỷ đồng ngày đầu ra rạp) vào năm ngoái.

- Anh rất thích phim hành động và nhiều người nhận xét trong phim hài của anh vẫn có yếu tố hành động. Sau “Bụi đời Chợ Lớn” liệu anh có “chim sợ cành cong”?


- Tôi vẫn tiếc ở Bụi đời Chợ Lớn nếu mình khéo léo hơn một chút thì đã không bị rơi vào tình trạng bi đát như vậy. Có lẽ chúng tôi đã quá chủ quan. Mọi người cũng nghĩ có lẽ phim sẽ gặp vấn đề nhưng phim nào mà không gặp vấn đề? Rồi từ từ giải quyết chắc sẽ ổn thỏa. Chúng tôi không ngờ rằng phim có thể rơi vào tình huống trầm trọng như vậy.

Nếu tôi làm phim hành động thì có lẽ ngay từ lúc triển khai phải tính đến vấn đề kiểm duyệt. Nếu mình tính đến vấn đề kiểm duyệt trước khi làm, xây dựng câu chuyện thật khéo léo, tôi nghĩ chắc sẽ không có vấn đề gì… Việc trở lại với phim hành động thì còn do cái duyên nữa, chứ giờ khó mà tính được lắm.

- Trong những bài phỏng vấn đầu tiên khi trở về Việt Nam làm phim, anh có nói thể loại phim anh yêu thích nhất là phim lịch sử. Sau nhiều năm hoạt động ở quê nhà, sở thích của anh giờ thế nào?

- Sở thích của tôi cũng thay đổi theo thời gian. Năm nay tôi thích thể loại này, năm sau tôi thích thể loại khác. Có một thể loại mà từ xưa đến giờ tôi vẫn muốn làm là phim chiến tranh. Cứ phim chiến tranh nào ra rạp, tôi cũng đều đi xem và rất thích. Tôi mê mẩn thể loại này mà không hiểu tại sao. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có điều kiện làm phim về chiến tranh Việt Nam.

Theo Theo VnExpress