Chàng trai nghèo lo sa mạc hóa

TP - Sinh năm 1991, Chu Đức Thùy - học viên năm thứ 4 Học viện An ninh nhân dân có một gia cảnh khốn khó nhưng luôn mạnh mẽ vượt lên học giỏi, nghiên cứu thành công đề tài chống sa mạc hóa và phát triển kinh tế biển.
Chu Đức Thùy (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm nghiên cứu khoa học.

Năm 2011, Thùy đưa ý tưởng nghiên cứu về vấn đề sa mạc hóa để có kết quả tuyên truyền rộng hơn cho người dân về vấn đề biến đổi khí hậu. Anh được giao vị trí nhóm trưởng, đưa ra giải pháp và giao việc cho các học viên khác cùng tham gia nghiên cứu. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, công trình được trao giải Nhì cấp bộ (Bộ Tài nguyên - Môi trường).

Công trình đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng về sa mạc hóa ở nhiều vùng đất, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ có nhiều nơi người dân không thể canh tác do cát bay, xâm ngập mặn. Anh cho rằng, từ kết quả công trình anh mong muốn các nhà chức trách, người dân dành nhiều sự quan tâm tới vấn đề phòng chống bởi Việt Nam có nhiều biểu hiện của hiện tượng giảm lượng nước ngầm, sự xâm lấn của cát bay, mưa đá, lốc xoáy, thời tiết khắc nghiệt hơn…

Trong trang phục học viên an ninh, anh say sưa nói về mối quan tâm đặc biệt khác là phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển đảo. Làm sao để khai thác hết nguồn lợi trên biển để Việt Nam trở thành đất nước giàu vì biển, mạnh vì biển? Những kẻ hở lỏng lẻo nào trong sự phối hợp giữa các ngành? Tháng 8/2012, đề tài về biển đảo của anh giành giải nhất cấp Bộ.

Cũng đề tài biển đảo nhưng gắn liền với chủ đề bảo vệ an ninh quốc gia, anh và nhóm nghiên cứu thành công khi vượt qua 500 bài dự thi khác lọt vào top 10 bài viết xuất sắc cấp bộ; giải đặc biệt cuộc thi Tuổi trẻ viết về biển đảo quê hương do T.Ư Đoàn phối hợp Tạp chí Thanh niên tổ chức trao giải tháng 12 vừa qua.

Nhiều năm liền, Chu Đức Thùy là học viên giỏi chuyên ngành bảo vệ an ninh nội bộ. Chấp hành kỷ luật cao, anh được giao làm đội trưởng đội điều lệnh, ngày ngày kiểm tra việc thực hiện nghiêm điều lệnh của những học viên khác.

Anh dự định, ra trường sẽ đi đến bất cứ vùng đất nào Tổ quốc cần để làm bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó. Dự định ấy dang dở khi tháng 7/2013 bố anh mất vì căn bệnh ung thư phổi chưa trọn 49 ngày thì mẹ anh phát bệnh ung thư vú.

Nhà hai chị em, chị gái anh tuổi gần 30 đành bỏ dở công việc ở Hà Nội về quê xã An Hồng, huyện An Dương (Hải Phòng) chăm mẹ. Không có tiền, hai chị em chạy vạy ngược xuôi vay mượn để hàng tuần đưa mẹ lên bệnh viện K T.Ư điều trị, mẹ anh lại phát thêm căn bệnh tim phải điều trị thêm ở bệnh viên Tim mạch.

Nỗi lo lớn nhất của anh mỗi ngày là kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Mỗi lần đưa mẹ chạy hóa chất và mua thuốc hết hơn chục triệu đồng. Sau đám tang bố, hiện tại, số tiền nợ của hai chị em lên con số gần 100 triệu, sắp tới đây rồi không biết vay mượn vào đâu để lo tiếp cho mẹ”, anh nói.

Anh chia sẻ, những ngày tháng được đào tạo trong môi trường an ninh khiến anh trưởng thành, tự tin đối mặt với những giông gió. Tết này, anh sẽ về sớm thay bố lo việc hương khói cho người đã khuất và chăm sóc mẹ bù đắp những ngày xa cách.

Anh muốn tự tay gói bánh chưng, mẹ con cùng ngồi quây quần bên nồi bánh đượm lửa, nước sôi ùng ục tỏa hương thơm ấm áp. Với anh, mẹ là chỗ dựa cuối cùng, là bầu trời để anh vững tin về phía trước.

Anh nói, cuộc sống bất trắc nhưng mình còn sức trẻ, còn niềm tin khi chỉ còn một năm nữa sẽ ra trường. Anh mong được trở về quê hương công tác để có thể ở gần mẹ hơn mỗi ngày.

Theo Báo giấy