Sinh ra ở huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhưng duyên số đã đưa Đào Quang Vũ (SN 1991) gắn bó với mảnh đất Nghệ An. Tốt nghiệp Học viện Tài chính, Vũ vào Đà Nẵng làm cho một công ty xuất, nhập khẩu. Năm 2015, anh mở công ty riêng cũng chuyên về lĩnh vực này. Thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài như Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản…, nhận thấy tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất rộng mở, anh quyết định trở về Nghệ An khởi nghiệp, với mong muốn đưa nông sản đặc trưng của xứ Nghệ vươn xa.
“Năm 2015, lần đầu tiên tôi qua Thái Lan. Vừa xuống sân bay, tôi được mời ăn một loại mứt làm từ vỏ bưởi. Trong khi ở nước ta vỏ bưởi vứt tràn lan, thì ở Thái Lan họ đã sản xuất ra các sản phẩm và bán khắp thế giới. Rồi tôi đến các nhà máy chế biến măng cụt, chứng kiến họ tạo ra rất nhiều sản phẩm từ măng cụt để xuất khẩu. Việt Nam mình quá tiềm năng về nông sản, nên tôi đã quyết định chọn con đường nông sản để xuất khẩu”, anh Vũ chia sẻ.
Năm 2019, Vũ lấy vợ người Nghệ An, đây cũng cơ duyên đưa chàng trai Hà Tĩnh trở về và khởi nghiệp tại quê vợ. Thời điểm này, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Nghệ An hoạt động không hiệu quả, đang cần một người vực dậy, “đứng mũi chịu sào”, với sức trẻ và sự nhiệt huyết, Vũ nhận ngay vai trò đó. Chàng trai 9x vạch ra một lộ trình bài bản, rõ ràng.
Năm 2021, sau khi nhận gian hàng, việc đầu tiên, Vũ đổi tên cửa hàng thành “Đặc sản xứ Nghệ” để gần gũi hơn với người tiêu dùng. Vũ làm mới cửa hàng bằng không gian mở, vừa giới thiệu, bày bán sản phẩm, vừa là nơi tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Vũ thuyết phục những người liên quan bằng chiến lược 5 năm với hành trình đưa đặc sản xứ Nghệ vươn xa.OCOP
“Thuật ngữ xuất khẩu tại chỗ mà Thái Lan sử dụng đã giúp quốc gia họ xuất khẩu nhiều sản phẩm đi các nước trên thế giới. Tôi muốn áp dụng nó cho việc quảng bá sản phẩm OCOP Nghệ An, kéo khách du lịch đến trải nghiệm tại cửa hàng, từng bước đưa sản phẩm địa phương vươn xa”, anh Vũ cho hay.
Nông sản Nghệ An có rất nhiều ưu thế để xuất khẩu như chất lượng, mẫu mã, sản lượng. Tuy nhiên, điểm yếu cũng khá nhiều, đó là quy trình sản xuất đạt chuẩn, mã số vùng trồng, giá cả, bao bì,… Khó khăn với Vũ là rất nhiều.
“TP Vinh là vũng trũng của xuất nhập khẩu. Hơn nữa, muốn chế biến sâu các sản phẩm cần phải đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Việc kết nối các nhân tài trong sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm OCOP muốn xuất khẩu phải xác định được lợi thế sản phẩm, phải nắm bắt được thị hiếu, thói quen tiêu dùng của mỗi quốc gia”, chàng trai 9x bộc bạch.
Cùng đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP Nghệ An xuất khẩu sang các nước, Vũ cũng đang dần hiện thực hóa mục tiêu thu ngoại tệ từ đặc sản địa phương. Vũ chọn sản phẩm chè Shan tuyết Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) để chế biến thành những sản phẩm có giá trị xuất khẩu.
“Tất cả các sản phẩm đều phải đi từ vùng nguyên liệu. Có 3 yếu tố để tôi lựa chọn chè Shan tuyết Huồi Tụ chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, đó là quy mô đủ lớn, chất lượng đủ tốt và có sự khác biệt. Chè Shan tuyết Huồi Tụ có một hương vị riêng rất ít vùng khác có được. Đặc biệt, cây chè nơi đây gắn với đời sống của đồng bào Mông, mang đậm giá trị văn hóa vùng, miền. Hiện, chúng tôi đã cho ra đời 2 dòng trà chế biến từ những cây chè Shan tuyết Huồi Tụ, đó là lục trà và hồng trà”, anh Vũ cho biết.
Để xuất khẩu các sản phẩm trà Shan tuyết, Vũ phải mất thêm thời gian để trải nghiệm và hoàn thiện, tìm kiếm các cơ hội. Đáng chú ý, trà Shan tuyết đã trở thành vật phẩm làm quà tặng; được tham gia Hội trà thế giới năm 2023 ở Đài Loan là bước tiến dài trong việc đưa đặc sản xứ Nghệ vươn ra thế giới.