Tuổi thơ và những ký ức về Việt Nam
"Xin chào, tui là Luân Vũ đây".
Tối 7/7, trong buổi livestream kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ trên kênh TikTok, Luân Vũ liên tục nói tiếng Việt giọng miền Nam với mọi người. Trong một vài trường hợp, anh cũng có thể nói giọng miền Bắc và miền Trung.
Chàng trai Mỹ thừa nhận hơn 10 năm sống tại TPHCM, anh chỉ sử dụng tiếng Anh khi giảng dạy học viên, còn lại đều nói tiếng Việt.
Trong ngôi nhà nhỏ thuộc quận 3, TPHCM, anh nấu món Việt thành thục, từ món chả giò chiên, canh chua, thịt kho cho đến món cá nục hấp cuốn bánh tráng theo kiểu miền Trung.
"Tôi ăn món Việt tất cả các ngày trong tuần", Luân nói. Anh cũng ít xưng hô mình là Joshua Ryan, muốn mọi người biết nhiều hơn với cái tên Trần Luân Vũ mà mẹ nuôi là một người Việt sống tại Mỹ đã đặt cho anh.
Trần là họ của mẹ, và Luân Vũ là cách đọc ngược lại của tên nghệ sĩ cải lương mà anh yêu thích. Tuy nhiên, để người nước ngoài dễ phát âm, anh muốn họ gọi anh là Luân.
Tình yêu Việt Nam khắc sâu trong lòng anh kể từ khi anh là đứa trẻ 10 tuổi ở bang Oregon, Mỹ. Anh sinh ra trong gia đình người Mỹ gốc Bồ Đào Nha.
"Mẹ sinh tôi khi bà 15 tuổi. Ở tuổi đó, bà thật sự chưa biết cách để trở thành một người mẹ. Ba mẹ thường xuyên cãi nhau và không thể lo lắng cho ba đứa con. Tôi phải ăn mì gói nhiều đến mức nhập viện", Luân nhớ lại.
Thành phố Portland nơi anh sinh sống có rất nhiều người châu Á. Lớp học của Luân có đến 50% học sinh Việt Nam, anh cũng nhanh chóng kết thân với họ.
Năm 14 tuổi, Luân xin việc làm thêm trong xưởng may trang phục diễn kịch của trường, anh gặp một người phụ nữ Việt Nam, gốc Huế. Bà cũng có cô con gái trạc tuổi Luân.
Anh nhớ, lần đầu tiên sang nhà, bà đã làm cho anh món cánh gà chiên nước mắm, bánh bột lọc khiến anh phải thốt lên "ngon tuyệt". Bà thường nghe cải lương, giới thiệu anh một vài tác phẩm văn học Việt Nam và chỉ anh nấu cơm.
"Bà dịu dàng và tràn đầy tình cảm. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được sự quan tâm ấm áp như một người mẹ. Bà cũng là người lớn đầu tiên thật sự dành thời gian để lắng nghe tất cả những gì tôi chia sẻ", anh nói.
Từ đó, trong lòng anh có ấn tượng tốt về người Việt Nam. Anh hình dung đây là đất nước của những con người thân thiện, chân thành và ấm áp. Luân thầm nghĩ, mình sẽ đến Việt Nam một ngày không xa.
Cũng trong giai đoạn này, anh thường xuyên sang ngôi chùa Việt Nam để tụng kinh, học tiếng Việt bằng cách trò chuyện với các sư cô. "Tôi nói tiếng Việt thành thạo từ khi ở Mỹ, dù chưa từng đến trường lớp để học", Luân tự hào nói.
Việt Nam là nhà
Năm 18 tuổi, Luân tốt nghiệp trung học, anh dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mua vé sang Việt Nam. Trừ chi phí vé may bay, anh chỉ còn đúng 1.000 USD cho chuyến đi dự kiến 3 tháng.
Luân chia sẻ: "Tôi cũng khá lo lắng, bởi đó là lần đầu tiên tôi đến châu Á, không người thân bên cạnh. Tôi cũng không biết người Việt Nam có chào đón mình hay không? Có trộm cướp, mất cắp xảy ra không?".
Mùa hè năm 2012, khi đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất, những suy nghĩ đó nhanh chóng bị xóa nhòa. Anh cảm nhận được sự thân thiện, nồng hậu của mọi người, họ luôn nở nụ cười trên môi.
Một vài người bạn rủ anh về miền Tây, nơi có những cánh đồng bát ngát. Họ cùng nhau nuôi vịt, bắt cá… để tiếp đãi khách. Cuộc sống khó khăn nhưng con người luôn hào sảng và tốt bụng. Luân kể, đó là lần đầu tiên anh biết rằng, tiền bạc không phải thứ duy nhất tạo nên hạnh phúc của con người.
Anh quyết định ở lại Việt Nam, riêng gia đình Luân tỏ ý không vui nhưng vẫn chấp nhận. Vậy là thay vì du lịch 3 tháng, anh đã ở Việt Nam gần 11 năm.
Tại TPHCM, Luân trải nghiệm nhiều công việc như MC, người mẫu, giáo viên tiếng Anh. Năm 2018, Luân quyết định kinh doanh và thuê mặt bằng ở quận 4. Tuy nhiên, người đứng ra giao dịch với Luân không phải chủ nhà, anh ta đã lừa anh ký hợp đồng hơn 80 triệu đồng.
Hôm sau, khi Luân đến nhận nhà, chìa khóa mà người kia đưa anh không mở được cửa, họ cũng đã "cao chạy xa bay". Sau lần đó, Luân cảm thấy thất vọng và trở về Mỹ.
Gần hai năm sống ở Mỹ, anh có công việc nhưng không cảm thấy hạnh phúc. "Tuổi thơ ở Mỹ của tôi rất cô độc, sống trong kỳ thị và bạo lực. Tôi chuyển ra ngoài từ rất sớm và hầu như không kết nối với gia đình. Từ Việt Nam trở về, tôi mang theo hình ảnh của những người mẹ Việt gần như dành cả cuộc đời để quan tâm con mình. Tôi bỗng dưng muốn hàn gắn với mẹ ruột và quý trọng giá trị gia đình hơn", anh nói.
Năm 2020, anh bắt đầu nhớ những ngày mưa ở TPHCM, anh luôn ghé quán cà phê vắng và nghe nhạc Bolero; không khí nhộn nhịp ở các quán ăn vỉa hè… Luân nghĩ, Việt Nam luôn hiện diện bên trong con người anh, anh quyết định quay lại đây lần nữa.
Mùa dịch COVID-19 là giai đoạn khó khăn đối với Luân. Anh phải "ôm" luôn chi phí thuê mặt bằng của trung tâm tiếng Anh mặc dù không có học sinh đến lớp.
"Người Mỹ có tính độc lập và chủ nghĩa cá nhân rất cao. Gia đình hầu như không thể giúp đỡ tôi trong thời gian đó", Luân kể.
Tuy nhiên, trong lúc khó khăn nhất, anh đã được sự giúp đỡ của một người bạn tại Quảng Ninh. Anh đã gửi cho Luân số tiền trang trải và không yêu cầu anh bất kì điều gì. Đồng thời, những bạn bè Việt Nam cũng liên tục động viên, hỏi thăm anh.
"Tôi cảm nhận được lòng tốt vô điều kiện của người Việt", anh nói.
Hiện tại, Luân đang có cuộc sống hạnh phúc tại Việt Nam. Người yêu anh là người Phú Yên. Thi thoảng, cả hai lại chở nhau về TP Tuy Hòa để ăn bắp nướng lá é, cá nấu mẵn, cuốn chả giò…
"Chưa bao giờ tôi thấy hối hận vì chọn Việt Nam", Luân hạnh phúc nói.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/chang-tay-dien-trai-nghien-nuoc-mam-noi-thao-giong-ba-mien-bac-trung-nam-20230711000725300.htm