Tìm đến với tranh kiếng
Cơ duyên đưa anh chàng đến với loại hình nghệ thuật truyền thống này cũng tình cờ. Đầu năm 2013, được sự giới thiệu từ một người bạn quen thân tại làng Gốm Lái Thiêu, Huy có cơ hội gặp gỡ với nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, người đầu tiên đặt nền móng cho việc sưu tầm tranh nghệ thuật Nam Bộ và đặc biệt rất thích sưu tầm tranh kiếng với gia tài hơn 1.000 bức họa. Sau đó, không lâu, trong một lần Huy đến tham dự buổi triển lãm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng năm 2013, được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm tranh kiếng khác nhau, từ hiện đại nhất đến cổ xưa, niềm đam mê với môn nghệ thuật này nảy sinh trong Huy.
Qua quá trình quan sát, cùng với bản tính ham tìm tòi của dân đồ họa, Đức Huy dần hiểu được những giá trị lịch sử của tranh kiếng và quyết định gắn bó với nó dài lâu. “Thú thực lần đầu ghé nhà bác Trảng tham quan, nhìn thấy mấy bức tranh kiếng, mình thốt lên tranh gì mà nhìn thấy ghê! Mãi sau này mới biết, sở dĩ bản thân không thấy hứng thú với những bức tranh đó là vì chúng là những tác phẩm được sản xuất hàng loạt bằng máy, trông qua rất thô và xấu, phải đến khi nhìn thấy tận mắt những tác phẩm được họa tỉ mỉ bằng tay thì mới yêu lấy và thấu lấy cái thần hồn, cái tinh tế trong đó”, Đức Huy chia sẻ.
Công phu trong thú chơi
Nguyễn Đức Huy đến với tranh kiếng bằng cái duyên tình cờ mà cũng rất đỗi tự nhiên như thế. Không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo chuyên môn nào, gia đình cũng không có ai theo nghệ thuật, nên toàn bộ những kiến thức liên quan đến tranh kiếng cũng như các công đoạn, kỹ thuật vẽ tranh, sử dụng chất liệu màu ra sao đều do Huy tự mình mày mò học hỏi. Thậm chí, để hiểu biết tường tận hơn về cách thức thực hiện, cậu không ngại tìm đến những nghệ nhân lâu năm trông tận mắt nghệ nhân vẽ, tiện thể… “học lỏm” vài chiêu.
Huy tâm sự: “Vì đam mê, vì yêu thích nên cỡ nào mình cũng cố gắng được. Về cơ bản nguyên vật liệu cũng không đắt, mình chỉ dùng đến những lọ sơn Bạch Tuyết mười nghìn là có trong tay những tác phẩm đẹp lung linh. Nghệ thuật tranh kiếng, mới trông thoáng qua nhiều người sẽ nghĩ nó trông cũng không khác một bức tranh giấy được lồng kính là bao”. Theo Huy, chỉ có chính những người cầm cọ, những người tự tay họa nên dáng hình và linh hồn cho tác phẩm mới hiểu được cái kỳ công và khó khăn của công việc. Không như vẽ trên giấy, vẽ trên mặt kiếng rất trơn. Theo Huy, người vẽ tranh kiếng thì vẽ nét nào phải chắc nét đó. Chỉ cần một sai sót nhỏ là toàn bộ bức tranh xem như bỏ đi, không sửa được.
Chàng trai trẻ bật mí, công đoạn khó khăn nhất trong quá trình vẽ tranh kiếng chính là loang màu. “Việc đổ loang giữa màu này và màu kia phải diễn ra cùng lúc và phải làm nhanh tay nếu không màu sẽ bị khô”, Huy giải thích. Như với bức họa “Quan Âm” - tác phẩm mà Huy tâm đắc nhất, để có được sự chuyển sắc mượt mà giữa màu đỏ và màu xanh trên vạt áo nhân vật, Huy phải tập trung cao độ trong việc di chuyển cọ liên tục và tán màu đều tay để cho ra sắc độ tươi thắm như hiện tại. Theo Huy, độ loang màu rất quan trọng bởi nó tạo nên chiều sâu và vẻ đẹp cho tác phẩm nghệ thuật.
Huy yêu công việc của mình, có những hôm say sưa thức tới 2, 3 giờ sáng để hoàn thành tác phẩm. Thậm chí có những lần Huy còn bị mảnh kiếng vỡ của những tấm tranh cắt trúng tay đến chảy máu trong quá trình phục chế. “Công việc gì cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng một khi đã đam mê rồi thì những khó khăn đó chỉ là thứ yếu. Mình sẽ tìm cách khắc phục được”, Huy bộc bạch.
Lưu giữ văn hóa dân gian
Sự đa tài của Nguyễn Đức Huy không chỉ dừng lại ở nghệ thuật vẽ tranh kiếng mà còn “lấn sân” sang những loại hình khác như vẽ trên gốm, viết tài liệu nghiên cứu văn hóa, thiết kế các sản phẩm làm thủ công mang màu sắc dân gian, phục chế tranh cổ và vẽ tranh Kim Hoàng. Anh chàng tự nghiên cứu và tự tay vẽ vài mẫu rồi gửi ra một vài bảo tàng ở miền Bắc. Huy từng vẽ một bức tranh thờ ông Táo biếu tặng chùa Phước Lưu ở Trảng Bàng, Tây Ninh.
Trước thực tế đáng buồn nhiều lò gạch, lò gốm phải đóng cửa vĩnh viễn do công nghệ nung đốt truyền thống gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, dẫn đến ngành gốm phải đối diện với nguy cơ dần bị mai một, Nguyễn Đức Huy đã hạ quyết tâm viết và vẽ lại tất cả những gì liên quan đến hoa văn gốm với lòng tin vững chắc rằng, đến một lúc nào đó những người yêu thích nghệ thuật truyền thống sẽ tìm đến. Và những tài liệu nghiên cứu của Huy sẽ trở thành phương tiện hữu dụng phục vụ cho đam mê và nhu cầu tìm hiểu của họ, để những tinh hoa của văn hóa truyền thống sẽ mãi sống trong lòng những người con đất Việt. Chàng trai trẻ quan niệm: Khi muốn tìm hiểu và nghiên cứu bất kì lĩnh vực nào, chúng ta cần phải “tự tay mình làm, tự thân mình trải nghiệm” thì mới thu được những cảm nhận thực tế và sâu sát nhất để viết ra những tài liệu có giá trị.
Đầu tháng 10/2019, Nguyễn Đức Huy ra mắt công chúng bằng triển lãm cá nhân tại Sài Gòn. Tại đây, Huy giới thiệu bộ sưu tập hơn 60 tấm tranh kiếng của mình đến với người yêu mến các giá trị dân gian. Với khán giả trẻ, triển lãm đã mang đến cái nhìn mới mẻ về một loại hình nghệ thuật đang dần bị lãng quên.
Với quan điểm nghệ thuật kết hợp giữa việc kế thừa truyền thống và không ngừng sáng tạo, trong tương lai, Huy dự định sẽ đánh mạnh về mảng nghệ thuật dân gian nhiều hơn. Anh chàng thậm chí đang nuôi một ý tưởng nghệ thuật táo bạo chính là vẽ những tác phẩm liên quan đến xe rồng (xe đưa tang). Tuy nhiên, vẫn còn sự cố kị trong tín ngưỡng văn hóa truyền thống nên Huy dự định chỉ chọn phác họa những chi tiết chạm khắc trên xe rồng để làm bật lên cái tinh hoa trong việc sáng tạo những họa tiết trang trí của người Việt xưa.