Chặn tiêu cực mới dẹp được xe quá tải

TP - Lãnh đạo gọi điện can thiệp cho xe quá tải; cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) khó giữ mình trước mua chuộc của chủ xe... Thực trạng này khiến Bộ Công an và Giao thông Vận tải (GTVT) phải lên tiếng.

> CSGT, thanh tra giao thông cùng 'xử' xe quá tải
> Nền đường nhiều đoạn trên Quốc lộ 1A mở rộng bị lún

Quá tải, đường xấu và tai nạn

Trước tình trạng xe quá tải làm cầu đường hỏng hóc, lầy lội diễn ra phổ biến, ngày 11/12, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo công an, GTVT các tỉnh. Theo liên Bộ GTVT-Công an trong 11 tháng đầu năm, 26.255 xe chở quá tải đã bị xử lý, buộc hạ tải 76.534 tấn hàng, phạt tiền trên 57 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác này đang đối diện với nhiều thách thức. Lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, QL 20 qua tỉnh này ngày đêm gánh lượng nông sản và bau xit lớn. Dù đã lập trạm nhưng vẫn còn hiện tượng các xe tải hạ tải hàng trước trạm cân, thuê xe khác tăng bo hàng qua trạm hoặc nhờ các đối tượng khác dẫn đường để đi vào các đường làng-xã. Đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho biết, để chở được xe quá tải, các lái xe áp dụng cách thức dẫn nước để làm mát lốp.

 “Qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số xe được kiểm tra, có đến 50% số lượng xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%”. 

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT

Một số nguyên nhân khác cũng được phản ánh như: Sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhuần nhuyễn, thiếu kinh phí hoạt động, cân do Tổng cục Đường bộ cấp “nhạy cảm” với nước, hay hỏng vặt... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ là ngay bản thân một số địa phương còn cho rằng kiểm soát tải trọng xe làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, thậm chí còn có sự can thiệp vào quá trình kiểm soát, xử lý xe vi phạm.

Theo ông Lê Đình Thọ, hiện cả nước có đến 652.111 ô tô tải, đảm nhận vận chuyển 73,4% tổng lượng hàng hoá của tất cả các loại hình vận tải. “Qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số xe được kiểm tra, có đến 50% số lượng xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%”, ông Thọ nói.

Ông Thọ đánh giá: Tệ nạn trên làm đường xuống cấp, tạo hằn lún, sình lầy vệt bánh xe sâu và khiến một số cây cầu bị sập, gãy. Đường xấu, cầu yếu làm lái xe căng thẳng, mệt mỏi, phương tiện hỏng hóc nên dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, quá tải cũng làm môi trường kinh doanh vận tải thiếu lành mạnh.

Tiêu cực, chung chi ở trạm cân

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, một trong những vấn đề cần thực hiện là Chủ tịch UBND - Trưởng ban ATGT các tỉnh chỉ đạo các ban ngành có giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng làm việc, nghiêm cấm việc can thiệp vào vị trí xử lý vi phạm xe quá tải. Theo Bộ trưởng Quang, vẫn có hiện tượng cán bộ, lãnh đạo can thiệp vào kiểm tra, xử lý tải trọng xe.

Ngoài ra, theo ông Quang, còn có hiện tượng tiêu cực, chung chi của các lực lượng chức năng ngay tại trạm cân. Lái xe, chủ xe thường có xu hướng mua chuộc cán bộ, chiến sỹ.

“Thực tế, tại các trạm cân, xử lý xe vi phạm chở quá tải trọng đã xảy ra tiêu cực, có trường hợp vi phạm phải xử lý bằng hình sự”, ông Quang nói. Để dẹp bỏ tiêu cực, Bộ trưởng Quang cho rằng cán bộ tham gia công tác tại trạm cân phải đủ điều kiện tiêu chuẩn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp phải tăng cường kiểm tra, xử lý nếu phát hiện người vi phạm.

Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh, việc chúng ta làm có hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự minh bạch, công bằng, công khai giữa tất cả các chủ phương tiện. CSGT, TTGT cam kết không tiêu cực, chắc chắn sẽ làm được. Ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Thăng còn đề nghị nhân dân, cơ quan thông tấn báo chí giám sát các trạm cân, phát hiện gương tốt để tuyên truyền và phản ánh tiêu cực để các cơ quan chức năng xử lý.

Theo Báo giấy