Chặn sông tích nước để chuyển gỗ lậu

TP - Sau khi khai thác xong, lâm tặc ngang nhiên ngăn sông tích nước, tạo dòng chảy để chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng Ngàn Sâu giữa ban ngày. Tại điểm hẹn, nhiều chiếc xe công nông được bố trí sẵn để tẩu tán gỗ đi nhiều hướng. 'Máu' rừng Ngàn Sâu cứ chảy như thế mỗi ngày trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

> Kỳ 1: Theo dấu lâm tặc

 

Ngang nhiên chặn sông, chuyển gỗ

Thời điểm này, tại khu vực thác Rồng, nước cạn nên không thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ lậu. Nhưng, không có cách vận chuyển gỗ nào hiệu quả hơn việc lao gỗ theo dòng nước. Bởi thế, sau khi tập hợp gỗ, từng nhóm lâm tặc hợp sức làm những con đập nhỏ ngăn dòng để tích nước. Sau khi đã tích được một lượng nước đủ lớn, họ tháo đập, nước cứ thế cuốn gỗ ra bìa rừng.

Theo một lâm tặc có tên là T, với kiểu vận chuyển này, yêu cầu thợ rừng phải chạy thật nhanh theo con nước. Khi xả nước, từng hàng gỗ trôi với một vận tốc khá lớn. Thợ rừng phải chạy đằng trước để điều khiển gỗ không bị mắc kẹt vào hai bên bờ hoặc dắt vào những hốc đá. Nếu chỉ chạy chậm hoặc bị vấp ngã, dễ bị gỗ quật vào người, chết như chơi. Không ít người gãy chân, sứt đầu, mẻ trán bởi cách vận chuyển gỗ mạo hiểm này.

“Tốt nhất là chọn gò đất nào thật cao để tránh gỗ. Còn nếu chạy, phải chạy thật nhanh” - T nói. Để tạo lòng tin, tôi cũng xắn cao ống quần, để chuẩn bị chiến với dòng nước dữ.

Nhẩm tính, ngồi đợi đập đầy nước phải mất gần 3 giờ đồng hồ. Khi nước đổ về, con đập mỗi lúc một đen ngòm và đặc quánh gỗ. Nước được tích nhiều đến mức cảm giác như lớp đất đá được dùng để ngăn đập cũng không thể chống chọi nổi.

Trước khi tháo đập, một lâm tặc chạy nhanh ra bên ngoài để thông báo cho những người đang chờ ở ngoài tấp lên bờ kẻo khi thả gỗ chạy không kịp. Hai gã khác, to khỏe hơn dùng xà beng tháo đập, nước tung bọt xối xả. Không ai bảo ai, cả đám lâm tặc thi nhau chạy. Tôi cũng chạy thục mạng theo đám thợ. Lúc này, nước lên mỗi lúc một cao. Khi tháo nước, nước mới chỉ bén gót chân, sau chưa đến một phút đã cao gần đến đầu gối.

Lõm bõm trên dòng nước như thế được vài chục mét, chân tay tôi rệu rã. May có mỏm đá, tôi trèo lên, rồi ngồi quan sát cánh lâm tặc làm việc. Nước lên mỗi lúc một nhanh. Gỗ trôi thành từng hàng dài trước sự chèo lái của hai gã to khỏe.

Chạy theo gỗ khoảng ít phút, nhóm lâm tặc lại trèo lên bờ để nghỉ lấy sức. Sau đó, lại chạy theo để điều chỉnh hướng gỗ đi cho đúng hướng. Gỗ cứ trôi với tốc độ lớn như thế khoảng gần 30 phút thì đến khu vực thác Nu. Đây là ngọn thác cao nhất ở khu vực thác Rồng.

Đến thác Nu, hàng chục khúc gỗ to bằng cả vòng tay người ôm, được lâm tặc thả từ trên thác xuống. Dưới chân thác, một nhóm lâm tặc khác đã chực sẵn vớt những cây gỗ vừa trôi xuống. Gỗ trồi lên trụt xuống, dòng thác nổi bọt trắng xóa.

Tiếng nước chảy ầm ầm nghe phát sợ. Cảnh tượng nguy hiểm đó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Những khúc gỗ lớn cứ lần lượt được thả xuống. Nhìn cảnh tượng này, tôi nổi da gà. Đang phút thất thần, một gã lâm tặc chừng 60 tuổi hét to: “Anh em cẩn thận. Con thác này dữ lắm. Đã nuốt mất mấy mạng anh em rồi”.

Lâm tặc đắp đập, chờ nước lên chuyển gỗ. Ảnh: N.P.C.
 

Những chuyến xe đáng sợ

Miệt mài đánh đu với mạng sống cả tiếng đồng hồ, gỗ mới được chuyển hết xuống thác, trôi theo dòng nước ra ngoài. Công việc trong một ngày của lâm tặc thế là kết thúc. Đến điểm hẹn, gỗ được trục vớt rồi đưa lên công nông và xe máy buộc phía sau một chiếc xe bò để chở gỗ đến nơi tiêu thụ.

Theo nhiều người dân ở thị trấn Hương Khê, các xe máy chở gỗ vẫn hoạt động một cách thường xuyên mỗi ngày. Khoảng 6-8 giờ tối, lúc ít người ra đường, cánh xe máy bắt đầu hoạt động hết công suất.

Hơn 6 giờ tối, chúng tôi phục kích ở khu vực cầu Sông Tiêm. Đây là cây cầu nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn từ xã Hương Trà đến thị trấn Hương Khê. Chẳng phải đợi lâu, khoảng 15 phút sau, một chiếc xe máy chở hai người, kéo theo một chiếc xe bò kéo chứa đầy gỗ chạy qua.

“Theo một cán bộ xã Hương Trà (người từng dành thời gian để theo dõi hoạt động của những chuyến xe chở gỗ lậu), gỗ lậu thường được vận chuyển vào lúc tờ mờ sáng hoặc khi chập choạng tối.

Vì lâm tặc đi nhanh, chủ yếu là những chiếc xe máy Trung Quốc kém chất lượng nên không ít vụ tai nạn đã xảy ra trên đường Hồ Chí Minh. Bản thân ông cũng bị tai nạn, nát cả đầu xe do va chạm với bọn chở gỗ lậu”.

 

Đường vắng, chiếc xe nháy đèn liên tục và đi với tốc độ có khi lên đến gần 60 km/giờ. Phía sau là những khối gỗ lớn được cắt vuông vắn, xếp chồng lên nhau và buộc lại bằng dây cao su rất chắc chắn.

Được một người địa phương dẫn đường, chúng tôi lập tức phi xe bám theo. Chiếc xe chở gỗ lậu cứ chạy miết dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Mỗi lần xe gỗ chạy qua, người đi đường phải tấp xe vào lề đường để tránh.

Theo chiếc xe chở gỗ được 3 km, bất ngờ một chiếc xe máy khác chạy tới, ép xe chúng tôi vào sát lề đường. Hai thanh niên dong dỏng cao, đầu nhuộm vàng xuống xe hỏi: “Chúng mày đi theo xe làm gì?”. Rất may, khi đó tôi đã giấu máy ghi hình trong người, cộng với người dẫn đường là thổ địa, có quen với một số cơ sở sản xuất gỗ trả lời chúng tôi đang trên đường tìm đến xưởng của anh L để đặt gỗ làm tủ bếp, nên mới yên chuyện. Lúc này, chiếc xe chở gỗ lậu đã mất hút trong màn đêm đặc quánh.

Qua tìm hiểu được biết, các xe chở gỗ lậu vẫn chạy ngang nhiên như thế, vì phía trước đã có xe dẫn đường để canh chừng cơ quan chức năng. Hễ thấy động, chiếc xe đằng trước sẽ lập tức bắn tín hiệu để xe chở gỗ dừng lại hoặc chạy vào các con đường vắng. Những xe máy chở gỗ rất dễ nhận biết vì khi đi trên đường, thường nháy đèn liên tục để người đối diện biết, tránh đụng đầu, gây tai nạn.

Ngoài đường mòn Hồ Chí Minh, các chuyến xe chở gỗ thậm chí còn chạy cả trên những tuyến đường trong thị trấn Hương Khê. Anh N.N.H, một người dân ở xã Hương Trà cho biết, chiều tối nào đi làm về anh cũng gặp những chuyến xe chở gỗ chạy ngang nhiên trên đường.

Để vận chuyển nhanh chóng, thoát khỏi sự truy bắt của cơ quan chức năng, những chiếc xe này phóng với tốc độ lớn, rất dễ xảy ra tai nạn. “Cứ thấy từ đằng xa xe nào nháy đèn liên tục là tôi tấp nhanh vào lề đường tránh” - anh N.N.H nói.

Còn tiếp

Theo Báo giấy