Chân dung tỷ phú Ai Cập muốn mua đảo cho người tị nạn cư trú

Tỷ phú Naguib Sawiris người Ai Cập đang đàm phán với Hy Lạp về 2 hòn đảo ông mong muốn mua lại để cho người tị nạn cư trú, giữa lúc hàng nghìn người đổ xô vào châu Âu mỗi ngày. Nhưng kế hoạch của “đại gia” ngành viễn thông không chỉ có vậy.
Tỷ phú Naguib Sawiris. Ảnh: Twitter.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu đang lên đến đỉnh điểm, với hàng nghìn người thiệt mạng từ đầu năm do vượt biển để di cư vào châu Âu chạy trốn chiến tranh, tỷ phú Naguib Sawiris đã gây xôn xao dư luận với kế hoạch mua lại hai hòn đảo trên Địa Trung Hải và xây dựng khu tái định cư cho người tị nạn.

Hãng tin AFP dẫn thông báo từ công ty Orascom TMT của ông Sawiris ngày 14/9 cho biết, họ đã lựa chọn được hai hòn đảo tại Hy Lạp, thuộc sở hữu cá nhân để tiến hành đàm phán.

“Chúng tôi đã liên lạc với các chủ sở hữu và bày tỏ ý định muốn tiến tới đàm phán với họ”, thông cáo của Orascom TMT cho biết.

Ông Sawiris khẳng định đã được cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UN HCR) tiếp xúc để hợp tác về dự án này, với chi phí ước tính khoảng 100 triệu USD.

Rất nhiều người tị nạn vẫn đang mạo hiểm vượt biển vào châu Âu. Ảnh: Getty.

Trả lời phỏng vấn báo giới Mỹ ngày 13/9, ông Sawiris cho biết dự án này không chỉ đơn giản là mua một hòn đảo rồi đưa người tị nạn lên đó. Mà ông còn mong muốn cung cấp một chỗ tái định cư cho họ, với nhà ở, trường học, bến tàu. Nhưng thách thức lớn nhất, theo ông là về mặt pháp lý, với lo ngại giới chức địa phương sẽ không ủng hộ đưa người tị nạn lên đảo.

“Vấn đề không chỉ là mua một hòn đảo”, ông Sawiris nói. “Thách thức với ý tưởng này không chỉ là tìm hòn đảo và mua nó, mà nằm ở quyền tài phán của Ý hoặc Hy Lạp. Do vậy, tôi muốn có sự chấp thuận của thủ tướng Ý hoặc Hy Lạp cho phép người tị nạn lên hòn đảo đó.

…Người tị nạn họ không có thị thực. Chúng ta cần một cơ quản quản lý hộ chiếu. Chúng ta cần người kiểm soát việc này. Chúng ta cần dữ liệu. Phải có cơ quan hải quan. Do đó, thách thức thực sự là phải được cơ quan chức năng chấp thuận việc đưa người di cư lên đó”, vị tỷ phú viễn thông nói tiếp.

“Sau đó tôi sẽ xây một bến tàu nhỏ tạm thời. Tôi cũng sẽ xây nhà ở, trường học và bệnh viện tạm. Tiếp đó chúng tôi sẽ dùng chính những người này và tạo cho họ việc làm đó là xây dựng một thành phố mới, tại chính hòn đảo đó. Cuộc chiến hiện tại sẽ không kết thúc trong vài tuần hay vài tháng. Có lẽ nó sẽ kéo dài nhiều năm”.

Tập đoàn Orascom Telecom Media & Technology hoạt động khắp châu Phi và châu Á. Ảnh: AP.

Naguib Sawiris là ai?

Tính từ tháng Giêng đến nay, theo AFP, hơn 2300 người tị nạn đã thiệt mạng trên hành trình vượt biển đến châu Âu, phần đông là người Syria chạy trốn cuộc chiến đã kéo dài hơn 4 năm tại quốc gia này.

Dòng người tị nạn ùn ùn đổ vào châu Âu khiến các quốc gia khu vực này thực sự chịu sức ép lớn. Bởi vậy, đề xuất của ông Sawiris dù có vẻ lạ lùng, nhưng rất được chú ý. Và đây cũng không phải lần đầu tiên vị tỷ phú lập dị ngành truyền thông thu hút dư luận với những quyết định bất ngờ.

Theo tạp chí Forbes, ông Sawiris hiện sở hữu khối tài sản ròng khoảng 2,9 tỷ USD, với các công ty chủ yếu hoạt động trong ngành công nghệ và truyền thông. Xếp hạng 557 trong số những người giàu nhất thế giới, ông là người giàu bậc nhất Ai Cập và đứng trong top 10 người giàu nhất châu Phi.

Công ty của ông, Orascom Telecom Media & Technology, đầu tư vào các doanh nghiệp truyền thông và công nghệ ở khắp nơi, như Ai Cập, Li-băng, Pakistan. Họ cũng là tập đoàn nắm cổ phần mạng viễn thông 3G Koryolink tại Triều Tiên.

Là con cả trong gia đình có 3 anh em trai, Sawiris tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình năm 1979. Orascom, do cha ông sáng lập, là doanh nghiệp tư nhân có nhiều lao động nhất Ai Cập tại thời điểm đó. Đến cuối những năm 1990, công ty được tách thành nhiều công ty riêng lẻ. Dù nổi tiếng, ông vẫn không phải thành viên giàu nhất trong gia đình, bởi em trai ông là Nassef còn xếp hạng 225 thế giới.

Sawiris có không ít suy nghĩ và hành động khá khác người, khi ông từng lên tiếng đề nghị thành lập một quốc gia có chủ quyền cho người di cư và người tị nạn.

Tháng 6/2011, ông gây phản ứng mạnh mẽ từ các giáo sỹ Hồi giáo, khi đăng trên Twitter bức ảnh một chú chuột Mickey có râu quai nón, cùng nàng Minnie đeo mạng che mặt giống phụ nữ đạo Hồi. Vì bức ảnh này ông từng bị dọa giết, đồng thời đối mặt với cáo buộc phỉ báng.

Vị tỷ phú cũng gặp rắc rối vì những đoạn clip ghi lại cảnh ông đang xem nhiều phụ nữ trong trang phục thiếu vải nhảy múa.

Ngoài những tranh cãi, Sawiris còn tham gia các hoạt động chính trị thời kỳ hậu cách mạng tại Ai Cập. Ông là một trong những thành viên sáng lập đảng Ai Cập tự do, ra đời tháng 4/2011, sau khi nhà độc tài Hosni Mubarak bị lật đổ. Đảng này đã tham gia một liên minh các đảng phái thế tục và tự do trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2011 và 2012.

Là thành viên cộng đồng người Cơ đốc thiểu số tại Ai Cập, Sawiris phản đối phong trào Anh em Hồi giáo cũng như tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Vị doanh nhân không xem việc ông Morsi bị quân đội lật đổ là một cuộc đảo chính, và ủng hộ tướng Abdel Fateh Al-Sisi trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập hồi năm ngoái.

Theo Theo Dân Trí