Chân dung Hoa khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2015

TPO - Tối 23/12, tại Hà Nội, Chung kết cuộc thi "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2015" diễn ra với sự khoe sắc thi tài của 10 nữ thanh niên khuyết tật. Kết quả, giải Hoa khôi vẻ đẹp Vầng Trăng khuyết 2015 thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa.

10 ứng viên thi tài trong đêm chung kết đều là những gương sáng tiêu biểu về nghị lực vượt qua bản thân để vươn lên trong cuộc sống. Trong đêm chung kết, các thí sinh đã trải qua 3 phần thi. Trong phần thi đầu tiên, các thí sinh lần lượt thể hiện vẻ đẹp nghị lực và tình yêu cuộc sống.

Phần thi Tài năng, thể hiện khả năng vượt qua những hạn chế về sức khỏe và hình thể:

Thí sinh Nguyễn Thị Minh Tâm từng tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán, ĐH Đồng Tháp, rồi nhận công tác tại vùng khó khăn của tỉnh. Trong lần đi vận động học sinh đến trường, cô gặp tai nạn và bị mất đi một chân. Hiện cô vẫn công tác trong ngành giáo dục và học tiếp cao học để nâng cao trình độ, kiến thức và phương pháp dạy. Trong phần thi tài năng, cô thể hiện bài múa sen.

Thí sinh Trương Thị Thương có thâ nhình chỉ 20kg, bị bệnh xương thủy tinh. Nhưng không vì thế mà ngăn bước được ước mơ đến trường, rồi trở thành sinh viên đại học với thành tích đạt loại giỏi. Trong phần thi tài năng, Thương thể hiện ca khúc "Nỗi buồn mẹ tôi".

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa thể hiện khả năng làm MC chương trình "Nhịp cầu trái tim". Ngay từ năm lớp 3, Hoa đã bắt đầu viết bài gửi các báo. Đến lớp 7 thường xuyên viết bài cho các báo và được giải cuộc thi "Nét bút tri ân" của Bộ GD&ĐT và VTV6. Suốt những năm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM, cô vừa tham gia CLB báo chí sinh viên vừa tham gia nhiều hoạt động, dự án về người khuyết tật...

Thí sinh Hoàng Thị Thi với tiết mục kể chuyện về quan điểm Hạnh phúc là gì? Với cô hạnh phúc là được đạp xe đến trường; được đi trên đôi chân của chính mình. Thi gửi đi thông điệp "Hạnh phúc là những gì mình đang có"

Thí sinh Trương Thị Hoài Hạnh cũng thể hiện khả năng kể chuyện. Cô đã mang đến câu chuyện xúc động kể về khát khao mong muốn tìm được bông hoa để kéo dai sự sống cho người mẹ. Câu chuyện được Hoài Hạnh gửi tới người gì bị ung thư mới mất được 50 ngày.

Qua câu chuyện, thí sinh gửi thông điệp: "Tôi và các bạn mỗi người chúng ta có thể khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng tôi và các bạn vẫn còn cả cuộc sống này để yêu thương”.

Phạm Thị Mỹ Châu tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường CĐ Công nghiệp Tp.Vinh (Nghệ An) và chuẩn bị kết hôn thì bất ngờ bị tai nạn, phải gắn cuộc đời với chiếc xe lăn. Quyết không để bố mẹ nuôi và chăm lo mãi cho minh, Châu đã lên mạng internet giao lưu với bạn bè và tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định. Giờ đây, Châu còn đau đáu ước mơ chương trình hướng nghiệp cho người khuyết tật.

Trong phần thi tài năng, Phạm Thị Mỹ Châu thể hiện ca khúc "Tình mẹ".

Huỳnh Thị Kim Hoàng, VĐV môn bơi lội của đoàn thể thao người khuyết tật Tp.HCM. Hoàng bị teo cơ cánh tay trái sau lần ốm nặng khi mới một tuổi nhưng vẫn đi học, đi làm như bao người và hăng hái tham gia nhiều hoạt động ở các CLB người khuyết tật để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Thí sinh Huỳnh Thị Kim Hoàng tự tin thể hiện khả năng cắm hoa.

Thí sinh Thạch Phương Lynh từng là một cô bé bình thường, nhưng sau cơn sốt đôi chân dần yếu đi. Với nghị lực phi thường, Lynh cố gắng học tập. Hiện cô phụ trách thư viện Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Cô luôn tự nhủ phải học tập thật tốt, cố gắng hòa đồng hơn để người khác thấy được năng lực và niềm tin của mọi người. Trong phần tài năng, Thạch Phương Lynh múa Khơ - Me.

Thí sinh Tạ Thị Duyên từng là cô gái bình thường, nhưng khi tốt nghiệp phổ thông bất ngờ không nghe gì nữa. Từng thì đỗ vào ngành sư phạm, nhưng tự thấy không còn phù hợp với bản thân, Duyên thi vào khoa Công nghệ may (ĐH Công nghiệp Tp.HCM). Hiện, cô đang làm cho một công ty may ở Tp. Buôn Mê Thuột. Trong phần thi tài năng, Duyên đã thể hiện khả năng thiết kế thời trang.

Nguyễn Phương Linh khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn vẫn thi đỗ ĐH Luật Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Luật, Linh tiếp tục thi vào Khoa Công tác xã hội của ĐH Công đoàn với mong muốn tích lũy kiến thức, kỹ năng để giúp đỡ những số phận không may khác, nhất là những người khiếm thính. Thí sinh Nguyễn Phương Linh mang tới tiết mục tài năng là múa ký hiệu.

5 gương mặt xuất sắc lọt vào phần thi ứng xử, bao gồm: Nguyễn Thị Thanh Hoa, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Thị Minh Tâm, Trương Thị Hoài Hạnh, Phạm Thị Duyên (từ trái sang). 


Trong phần thi ứng xử, 5 thí sinh đã chia sẻ nhiều tâm tư nguyện vọng để xã hội có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về khả năng người khuyết tật. Qua đó xóa bỏ sự kỳ thị và tạo cơ hội cho người khuyết tật tiệp cận được những công việc phù hợp, tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng.

Là người đầu tiên tham gia ứng xử, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa cho rằng, điều quan trọng nhất để người khuyết tật có cơ hội tiếp xúc với công việc phù hợp là xã hội cần thay đổi thái độ phân biệt, kỳ thị với người khuyết tật, để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận với những công việc ở trình độ cao hơn.

Thí sinh Nguyễn Phương Linh mong muốn một ngày không xa, đường lối thuận tiện để xe lăn của người khuyết tật có thể lên xuống được, các nơi có chữ nổi…và toàn xã hội chung tay giúp đỡ để người khuyết tật có thể làm được điều bản thân mong muốn. Cô mong chờ tương lai công bằng, với người khuyết tật

Phó trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng trao giải Hoa khôi cho về thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long trao giải Á khôi 1 cho thí sinh Nguyễn Phương Linh

Giải Á khôi 2 thuộc về thí sinh Trương Thị Hoài Hạnh.