Chân dung Công chúa châu Phi bị bán làm nô lệ, được nữ hoàng Anh đỡ đầu

TPO - Bức chân dung vẽ Công chúa châu Phi từng bị bán làm nô lệ, Sarah Forbes Bonetta, được trưng bày trong ngôi nhà cũ của Nữ hoàng Victoria trên Đảo Wight.

Sarah Forbes Bonetta là con gái của một vị vua ở Tây Phi. Cha mẹ cô bị giết trong một cuộc chiến năm 1848, và bà bị Vua Gezo của Dahomey (châu Phi, Cộng hòa Benin ngày nay) bắt làm nô lệ.

Năm 1850, bà được tặng cho sĩ quan hải quân Anh, thuyền trưởng Frederick Forbes, như một “món quà ngoại giao” khi mới 7 tuổi sau khi ông Forbes du lịch đến Vương quốc Dahomey để đôn đốc việc ngăn chặn nạn buôn bán nô lệ tại đây.

Tên ban đầu của nàng công chúa mồ côi là Aina. Nhưng trên đường đến Anh, bà được đổi tên dựa theo họ của vị thuyền trưởng và con tàu của ông, HMS Bonetta.

Sarah Forbes Bonetta.

Sarah sau đó được đưa đến Lâu đài Windsor và có cơ hội diện kiến Nữ hoàng Victoria. Trong nhật ký, nữ hoàng khen ngợi Sarah là cô bé “sắc sảo và thông minh”. Có thiện cảm với Sarah, nữ hoàng Anh nhận cô bé da đen làm con gái đỡ đầu, sắp xếp cho Sarah được nuôi dưỡng trong môi trường của tầng lớp trung lưu.

Nữ hoàng Victoria.

Lớn lên, Sarah trở thành một nhạc sĩ kiêm nhà ngôn ngữ học xuất sắc. Năm 1862, Sarah kết hôn với thương gia châu Phi James Pinson Labulo Davies. Bà lấy tên của Nữ hoàng Victoria đặt cho con gái đầu lòng. Đáng tiếc, cuộc đời của cựu công chúa châu Phi quá ngắn ngủi. Bà qua đời vì bệnh lao vào năm 1880, hưởng dương 37 tuổi.

Bức chân dung mới, vẽ về Sarah trong bộ váy cưới, được trưng bày tại Osborne House, nhà cũ của Hoàng gia Anh ở East Cowes, Đảo Wight, cũng là nơi Nữ hoàng Victoria từng gặp Sarah.

Bức chân dung về Sarah Forbes Bonetta.

Bức chân dung được tổ chức từ thiện English Heritage (Anh) công bố để làm nổi bật mối liên hệ giữa những tài sản của họ và việc buôn bán nô lệ. Họ nhấn mạnh, đang giới thiệu các bức chân dung về những nhân vật da đen lịch sử khác nhưng bị bỏ qua trước đây.

“Lịch sử đen là một phần của lịch sử Anh. Trong khi chúng tôi biết mình còn nhiều việc phải làm, English Heritage cam kết kể câu chuyện về nước Anh một cách đầy đủ”, tổ chức từ thiện tuyên bố.

Họa sĩ Hannah Uzor, người vẽ bức chân dung, cho biết, bức tranh thách thức những giả định của mọi người về địa vị của phụ nữ da đen ở Anh thời Victoria (1837 – 1901).

Theo Theo Daily Mail