Buổi họp báo kéo dài 1 giờ diễn ra tại hội trường James Webb, trụ sở của NASA ở Washington D.C, Mỹ.
Trong buổi họp báo, NASA tiết lộ những thông tin quý giá, tổng kết quá trình thực hiện sứ mệnh kéo dài suốt 20 năm thăm dò tìm sự sống của tàu vũ trụ Cassini và kính viễn vọng không gian Hubble trong Hệ Mặt trời.
Hai sứ mệnh của Cassini và Hubble cung cấp nhiều thông tin chấn động mới về mặt trăng của sao Mộc và sao Thổ, khiến giới khoa học bất ngờ về các “đại dương” khác trong Hệ Mặt trời của chúng ta và xa hơn nữa.
Các nhà khoa học của Cassini thông báo rằng, một dạng năng lượng hóa học có thể tạo nên sự sống tồn tại trên mặt trăng Enceladus của sao Thổ trong khi các nhà nghiên cứu của Hubble báo cáo thêm bằng chứng về những cột nước phun lên từ mặt trăng Europa của sao Mộc.
Ông Thomas Zurbuchen, quản lý Cơ quan Sứ mệnh Khoa học của NASA cho biết: “Kết quả nghiên cứu mới nhất là xác định được một nơi có một số thành phần cần thiết cho môi trường sống. Những kết quả này cho thấy bản chất kết nối của các sứ mệnh khoa học của NASA đang đưa chúng ta đến gần hơn câu trả lời liệu chúng ta có thực sự đơn độc hay không”.
Hình ảnh các cột khí phun lên từ bề mặt Enceladus được tàu vũ trụ Cassini chụp lại. Ảnh: NASA.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Cassini công bố trên tạp chí Science cho biết, khí hydro có khả năng cung cấp nguồn năng lượng hóa học cho sự sống đang tràn vào bề mặt đại dương của Enceladus từ hoạt động thủy nhiệt dưới đáy biển.
Sự hiện diện của hydro trong đại dương của mặt trăng có nghĩa là vi khuẩn (nếu có) có thể sử dụng nó để lấy năng lượng bằng cách kết hợp hydro với carbon dioxide hòa tan trong nước. Phản ứng hóa học này gọi là “methanogenesis” vì nó tạo ra khí metan, gốc rễ của sự sống trên trái đất và thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn gốc sự sống trên hành tinh chúng ta.
Như chúng ta đã biết, sự sống cần 3 yếu tố chính: nước; nguồn năng lượng cho quá trình trao đổi chất; và thành phần hóa học phù hợp, chủ yếu là carbon, hydro, nitơ, oxy, phốt pho và lưu huỳnh. Các nghiên cứu của Cassini chỉ ra rằng Enceladus có gần như tất cả những yếu tố này.
Linda Spilker, nhà nghiên cứu dự án Cassini tại Phòng thí nghiệm Phản lực của NASA (JPL) ở Pasadena, California cho biết: “Xác nhận về năng lượng hóa học tồn tại trong đại dương trên mặt trăng của sao Hỏa là một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi về sự sống ngoài Trái Đất”.
Enceladus có một đại dương bên dưới lớp băng, trên mặt băng có các vết nứt và vật chất phun ra. Tàu vũ trụ Cassini đã phát hiện ra hydro trong các cột sương lạnh phun lên từ bề mặt của Enceladus. Qua phân tích các mẫu vật được Cassini thu thập, các nhà khoa học xác định gần 98% thành phần cột khí là nước, khoảng 1% là hydro, còn lại là hỗn hợp các phân tử khác bao gồm carbon dioxide, metan và ammoniac.
Giáo sư Hunter Waite, trưởng nhóm nghiên cứu Cassini co biết: “Mặc dù chúng tôi không phát hiện ra sự sống nhưng chúng tôi phát hiện ra nguồn thức ăn cho nó, giống như một cửa hàng kẹo để nuôi vi khuẩn vậy”.
Những phát hiện mới này là bằng chứng độc lập cho thấy hoạt động thủy nhiệt vẫn đang diễn ra trong đại dương của Enceladus. Các kết quả trước đó được công bố vào tháng 3/2015 cho thấy nước nóng đang tương tác với đá dưới đáy biển. Những phát hiện mới ủng hộ kết luận này và nói thêm rằng đá dường như đang phản ứng hóa học để tạo ra hydro.
Hubble chụp lại được hình ảnh cột nước phun lên từ mặt trăng Europa của sao Mộc.
Ngoài phát hiện về Enceladus, các nhà khoa học cũng công bố nhiều thông tin thú vị về mặt trăng Europa của sao Mộc. William Sparks, nhà thiên văn học thuộc Viện Khoa học Kính thiên văn Không gian ở Baltimore, cho biết, năm 2016, Hubble cũng phát hiện thấy những cột nước phun mạnh lên bề mặt tại Europa. Đến đầu năm 2020, tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm các thành phần hóa học tại Europa.
Các nhà khoa học NASA hào hứng cho biết, những phát hiện mới này sẽ cung cấp dữ liệu cho các sứ mệnh khám phá đại dương và sự sống bên ngoài Trái Đất trong Hệ Mặt trời trong tương lai.