Cây sao của buôn làng

TP - Trong thời chiến, có những thời điểm già làng Y Đhun cùng người dân phải rời bỏ buôn làng vào rừng sống khó khăn thiếu thốn, nhưng họ vẫn một lòng theo Đảng, hăng say lao động sản xuất lấy lương thực nuôi bộ đội. Ở thời bình, người dân vùng căn cứ cách mạng luôn tự hào bởi già chính là cầu nối giữa ý Ðảng lòng dân.

Mở cánh cửa nhà sàn dài truyền thống, khuôn mặt già làng Y Đhun bừng sáng dưới tia nắng ban mai. Bếp lửa ủ vẫn tỏa hơi ấm khắp nhà. Già làng Y Đhun Hmok (SN 1955, buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ 5 giờ sáng, ông tranh thủ tưới cho vườn cà phê mới trồng. Buôn này bây giờ nhiều người nỗ lực vượt khó, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong sản xuất vươn lên làm giàu.

Già Y Đhun (giữa) kể câu chuyện quá khứ hào hùng kiên trung của người dân trong những năm kháng chiến

Hơn 41 năm tuổi Đảng, ông càng tự hào hơn khi ai đó nhắc đến buôn mình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, cả gia đình đều tham gia cách mạng, Y Đhun được dìu dắt và giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Y Đhun chọn con đường đi theo Đảng để được trưởng thành và đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Từ năm 6 tuổi, cậu bé Y Đhun đã theo bố mẹ cùng bà con buôn làng tham gia nuôi giấu cán bộ. Đến năm 14 tuổi, chàng trai trẻ là Bí thư Chi đoàn của xã 17, bây giờ là buôn Dur 1. “Lúc đó tôi nhanh lắm. Chạy như con gà rừng. Tôi nói được nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số như Mnông, Êđê và tiếng phổ thông, vì thế luôn được điều qua các đơn vị làm liên lạc”.

Nhắc lại những năm tháng tham gia kháng chiến, ánh mắt già bừng lên niềm tự hào. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các buôn của xã căn cứ cách mạng Dur Kmăl (còn được biết đến với mật danh H6) là một trong những vùng bị địch đánh phá ác liệt. Có những thời điểm, bà con phải rời bỏ buôn làng vào rừng sống và cùng bộ đội chiến đấu. Dù đói khổ song dân làng vẫn một lòng theo Đảng, kiên trì bám buôn, hăng say lao động sản xuất lấy lương thực nuôi bộ đội.

Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Y Đhun lên đường nhập ngũ. “Nơi vùng đại ngàn nắng gió này có biết bao người không tiếc máu xương, của cải, bền bỉ tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ. Có những thời điểm chỉ ăn sắn, củ mài và măng tre rừng thay cơm. Ngày ấy, bộ đội phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và khí hậu khắc nghiệt”, già Y Đhun hồi tưởng...

Cùng nhau phát triển kinh tế

Trời Tây Nguyên nắng như đổ lửa, trọn một buổi sáng trong ngôi nhà sàn truyền thống, giọng già Y Đhun hào sảng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện quá khứ hào hùng kiên trung của buôn trong những năm kháng chiến. Ngày ấy, các cán bộ chủ chốt là người Kinh hay dân tộc thiểu số đều gọi là Ama để địch khó phát hiện. Vùng đất mà ông và bao người lính đã phải đổi bằng máu xương, tuổi xuân để gìn giữ bây giờ thay da đổi thịt.

Ông kể, sau ngày giải phóng, ông được cử đi học an ninh. Năm 1977 - 1978 ông được biệt phái về xã 12 (xã Ea Bông bây giờ) làm công tác dân vận.

Sau những tháng năm phục vụ trong quân đội, có thời gian dài đảm nhận các chức vụ trong bộ máy nhà nước (Chủ tịch xã, Bí thư xã, Phó trưởng ban dân vận huyện uỷ Krông Ana), năm 2011, ông Y Đhun nghỉ hưu. Hiện, ông tiếp tục giữ cương vị Bí thư chi bộ buôn Dur 1 và được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Nhắc tới già làng Y Đhun, người dân vùng căn cứ cách mạng luôn tự hào bởi ông chính là cầu nối giữa ý Đảng lòng dân. Ông tích lũy cho mình kho kinh nghiệm trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đứng giữa vườn cà phê xanh tốt, anh K’Ních (SN 1980), buôn trưởng buôn Dur 1 chia sẻ, mô hình sản xuất cà phê sạch, chất lượng cao của 5 hộ ở buôn có diện tích 3,5ha. Những năm qua, Ban tự quản, đoàn thể, già làng, người có uy tín buôn rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bà con vươn lên lao động sản xuất, đoàn kết giữ vững an ninh trật tự. Năm 2000, buôn Dur 1 có tới 124 hộ nghèo, cận nghèo, đến nay chỉ còn 34 hộ.

Mỗi ngày, bước chân dày dạn sương gió của vị già làng ấy vẫn đều đặn đến nhà người dân tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước. Ông kể chuyện, tâm tình để người dân hiểu và nắm bắt ngay những việc mà già muốn tuyên truyền. Gặp già, tôi đã hiểu sâu thêm về các vị già làng, họ không có trong tay cây quyền trượng, nhưng họ có uy tín, có sự thông thái để lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Xã Dur Kmăl có 7 thôn, buôn, 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Năm 2000, Dur Kmăl được công nhận là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2018, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm xã này và tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, cố Tổng Bí thư tặng chính quyền cây sao trồng ở sân UBND xã. Từ đó, cây sao trở thành biểu tượng “cây đoàn kết”.