Cay mắt, buồn nôn vì clo nồng nặc ở bể bơi

TP - Những ngày nắng nóng, lượng người đến bể bơi tăng cao. Tuy nhiên, nước tại các bể bơi hiện nay được cho là dư thừa clo đến mức làm nhiều người cay mắt, buồn nôn. Nhiều người bơi mãi thành quen, cho đó là mùi đặc trưng. Trong khi, quy chuẩn hiện nay cũng không kiểm soát lượng clo dư thừa trong bể bơi…
Bể bơi Trung tâm thể thao quận Ba Ðình hiện nay luôn nồng nặc mùi clo. Ảnh: Bảo An.

Bể bơi P - một quần thể bơi lội lớn, khang trang tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội luôn đông đúc người ra vào. Trái với không gian thoáng rộng bên ngoài, khu vực bể bơi có không khí nặng mùi clo. Gần tới mặt nước, mùi clo càng nồng nặc hơn khiến người lần đầu tiên vào như chúng tôi cay mũi, lợm giọng. Trên trần và xung quanh, các cửa đều đóng kín và không có quạt để hút khí clo ra ngoài nên không khí càng khó thở hơn. Nhưng đám trẻ quá phấn khích, nhảy ào xuống bể và người lớn dù khó chịu cũng phải nhảy ào xuống tắm chung với clo.

Bể bơi của Trung tâm thể thao quận Ba Đình (tại 115 phố Quán Thánh - Ba Đình - Hà Nội), nơi có nhiều cán bộ trung, cao cấp sinh sống cũng không khá hơn. Bước lên bể bơi này, dù chưa xuống nước, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là mắt cay xè một lát như vừa được tra thuốc sát trùng. Nước trong vắt nhưng mùi clo rất nặng, phải 30 phút sau khi rời bể bơi, chúng tôi mới thoát khỏi cái mùi hắc, đầu hết nặng và hết khạc nhổ. Hầu hết những người bơi tại đây được hỏi đều chấp nhận bơi chung với mùi clo.

Bể bơi của Câu lạc bộ thể dục thể thao làng Quốc tế Thăng Long thuộc khu B3, làng Quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng có lượng khách đông. Mặt nước bể bơi luôn xanh trong nhưng khi lại gần người sử dụng dễ dàng nhận thấy mùi clo rất nồng.  

Luật sư Đào Liên (Cty Luật Tiền Phong) cho biết, một trung tâm bơi lội phải đáp ứng các điều kiện của Thông tư 2/2011/TT-BVHTTDL (quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức bơi, lặn). Trong đó, nước bể bơi được quy định: Bảo đảm thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước.

Cụ thể hơn, Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL (sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL nêu trên) quy định, nước bể bơi phải đạt cấp độ II của nước sinh hoạt quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT). 

Theo đó, nước phục vụ bơi lội phải đạt tiêu chuẩn “không có mùi vị lạ”.