Cầu Cổ Chiên: Dấu ấn hợp tác công - tư

TP - Với cây cầu Cổ Chiên (Quốc lộ 60), không chỉ ước nguyện bao đời của người dân Trà Vinh và Bến Tre thành hiện thực, nhờ rút ngắn tiến độ đã tiết kiệm vốn đầu tư hơn nghìn tỷ đồng, trở thành biểu tượng của hợp tác công - tư.
Cầu Cổ Chiên, biểu tượng của hợp tác công - tư.

Ước mơ thành hiện thực

Trước đây, khi chưa có cầu Cổ Chiên, người dân Bến Tre và Trà Vinh qua lại phải đi phà mất gần giờ đồng hồ. Vào giờ cao điểm, hoặc lễ tết có khi người dân phải chờ vài tiếng đồng hồ mới lên được phà. Với người dân đây, có cây cầu nối đôi bờ Cổ Chiên đã thành niềm ước ao bao đời.

Ngày cầu Cổ Chiên thông xe (16/5/2015), nhiều người dân 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh không ngủ chờ được đi cầu mới. “Giờ có cầu, nông sản, hàng thủ công… của bà con không còn lo bị ép giá như bao năm qua. Ði lại cũng không còn phải lụy phà sớm khuya nữa”, ông Nguyễn Ngọc Châu, xã Bình Phú (huyện Càng Long, Trà Vinh) nói, lệ rơm rớm. Trước đây, khi đi phà người đi xe đạp, xe máy đều phải mua vé, giờ với cầu Cổ Chiên, người nghèo đi xe máy không còn lo mất phí.

Cầu Cổ Chiên không chỉ nối thông đôi bờ, còn cùng với cầu Hàm Luông, Rạch Miễu nối thông tuyến Quốc lộ 60, rút ngắn quãng đường từ Thành phố HCM đến Trà Vinh khoảng 70km so với trước. Cây cầu mới tạo thế và lực mới thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh lân cận.

Vượt tiến độ tiết kiệm gần 1.500 tỷ đồng

Cầu Cổ Chiên được khởi công từ năm 2011, với thiết kế ban đầu là cầu dây văng, tổng mức đầu tư 3.798 tỷ đồng. Sau đó, dự án bị đình hoãn do kế hoạch cắt giảm đầu tư công của Chính phủ. Tháng 8/2013, dự án cầu Cổ Chiên được tái khởi động, đồng thời chuyển sang cầu bê tông dự ứng lực. Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư còn 2.308 tỷ đồng.

Phần xây dựng cầu chính Cổ Chiên được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Trong đó, vốn nhà đầu tư 1.264 tỷ đồng (chiếm 51% tổng vốn) do Liên danh Cty CP Ðầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông I (Cienco 1) làm chủ đầu tư; phần vốn nhà nước góp 1.044 tỷ đồng (chiếm 49%) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án triển khai trong 36 tháng (từ tháng 8/2013), nhờ nỗ lực của nhà đầu tư, sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, địa phương, dự án hoàn thành chỉ sau 21 tháng thi công, rút ngắn tiến độ 15 tháng và tiết kiệm được 1.490 tỷ đồng so với dự toán. Ðể đạt được kỳ tích đó, nhà đầu tư và các nhà thầu đã huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ. Dù quá trình thi công gặp không ít khó khăn, do khu vực địa chất phức tạp, có những vị trí phải khoan cọc sâu 113m. Ðặc biệt, lòng sông rộng gần cửa biển, mùa gió chướng sóng to, thủy triều cao... cản trở thi công.

Ông Lê Tuấn Anh, chỉ huy trưởng dự án cầu Cổ Chiên (Cty CP Ðầu tư Xây dựng Tuấn Lộc) nhớ lại, có thời điểm trên công trường hơn 500 công nhân, kỹ sư thi công suốt ngày đêm. Thậm chí, dịp Tết Nguyên đán, hơn 200 người vẫn tình nguyện ở lại công trường làm việc. “Nhìn người dân cười tươi rói đi trên cây cầu mới, anh em cũng thấy phấn khởi vì mình đã góp công cho niềm vui đó”, ông Tuấn Anh nói.

Tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đã tập trung xây dựng, đưa cầu Cổ Chiên vào sử dụng sớm 15 tháng so với kế hoạch.         

Cầu Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh) dài gần 1,6km, với 24 nhịp, rộng 16m (4 làn xe), thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông dự ứng lực. Vận tốc thiết kế 80km/giờ, tĩnh không thông thuyền cao 25m, rộng 120m. Do Liên danh Cty CP Ðầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông I (Cienco 1) làm nhà đầu tư.