Tuyên chiến với “rừng” thủ tục hành chính

Cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh: Mới chỉ ở mức cơ học!

TP - Sau Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác lần lượt đề nghị cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Tuy nhiên, khảo sát ý kiến nhiều doanh nghiệp (DN) cho thấy, nhiều  ĐKKD được cho là đã cắt giảm nhưng thực tế lại gần như “vô nghĩa”. Do đó, việc cắt giảm chưa thực sự tạo được thông thoáng cho DN hoạt động. Cách nào giải quyết thực trạng này?
Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng cắt giảm ĐKKD gây ảnh hưởng đến DN. Trong ảnh xuất nhập hàng hoá tại Cảng Cát Lái (TP HCM).

Phải tự cắt giảm mới sòng phẳng

Theo công bố của Bộ Công Thương, nhóm ngành kinh doanh thực phẩm sẽ cắt giảm 215 ĐKKD trong năm 2017. Một số ĐKKD được cắt giảm như: Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc có giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương… Đánh giá về điều này, anh Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc DN kinh doanh thịt đóng gói tại Hưng Yên cho rằng: “Chúng tôi kinh doanh bất cứ ngành nghề nào đều phải đăng ký giấy tờ trên. Như vậy, việc cắt giảm ĐKKD như trên có cũng như không”.

Với ngành hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương bỏ điều kiện “Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng cần có tên miền hợp lệ và tuân thủ quy định về quản lý thông tin trên internet”. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cung cấp sản phẩm gia dụng cho các trang web thương mại điện tử như Lazada, Shopbee cho rằng, việc cắt giảm các điều kiện trên cũng không có ý nghĩa, vì không giúp hoạt động của DN được thông thoáng hơn.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một loạt ĐKKD ở các lĩnh vực khác mà Bộ Công Thương đưa vào danh sách đề nghị cắt giảm cũng là vô lý như: Điều kiện với tổ chức cá nhân đăng ký hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối bán buôn, bán lẻ điện là tổ chức cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (gồm: DN thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật DN; Các tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật…).

Đánh giá về việc cắt giảm các ĐKKD của Bộ Công Thương, tại diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra ngạc nhiên khi hành động này được khen ngợi.

“Bộ Công Thương đẻ ra quá nhiều ĐKKD, gây bao nhiêu khó khăn cho DN thì việc cần làm là phải chặn, phải phạt chứ không phải giờ chạy theo để cắt. Chúng ta cần có sự giám sát việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể để bộ ngành đẻ ra bao nhiêu thứ rồi đến khi họ cắt vài thứ thì khen ầm cả lên là không sòng phẳng”, bà Lan nói.

Cần thực sự lắng nghe DN

Sau khi nhận được danh sách các ngành nghề kinh doanh sẽ được cắt giảm điều kiện kinh doanh, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương yêu cầu không xóa bỏ 5 ĐKKD quy định tại Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007. Theo đó, VLA cho rằng, Bộ Công Thương cần cân nhắc tính toán kỹ việc loại bỏ Điều 6, Khoản 2 và Điều 7, Khoản 1 trong Nghị định 140, vì việc hủy bỏ 2 điều trên có liên quan Điều 235 và 238 Khoản 2 của Luật Thương mại 2005. Nói cách khác, việc hủy bỏ các điều trong nghị định của Chính phủ tương đương hủy bỏ các quy định trong Luật Thương mại 2005.

“Việc hủy bỏ các điều trong Nghị định 140 đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam sẽ phải nộp tăng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của các nhà cung cấp logistics. Điều này khiến giá dịch vụ logistics của Việt Nam có thể sẽ tăng lên, làm giảm cạnh tranh của các DN Việt Nam”, đại diện VLA cho biết.

Đại diện VLA khẳng định, 5 ĐKKD Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm chỉ là “nghiệp vụ kinh doanh” và gồm các nội dung chuyên môn mà DN cần thực hiện nên không ảnh hưởng hay gây khó khăn cho DN.  Vì vậy, Hiệp hội VLA đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và xem xét kỹ để bảo vệ quyền và lợi ích cho các DN kinh doanh logistics Việt Nam và quyền lợi kinh tế của Việt Nam khi gia nhập quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, việc cắt giảm ĐKKD của bộ, ngành rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để việc này thực sự hiệu quả, bộ ngành cần nghiên cứu kỹ, tránh việc cắt giảm cơ học, cho đủ số lượng.

“Khi cắt giảm, bộ ngành cần lắng nghe ý kiến của DN chịu tác động để việc cắt giảm thực sự tạo môi trường thông thoáng cho DN phát triển. Khi nhận được đề nghị của hiệp hội, DN, bộ ngành cần giải đáp thỏa đáng để DN yên tâm hoạt động”, ông Hồ nói.

Sau hành động cắt giảm của Bộ Công Thương, hàng loạt các bộ, ngành khác cũng tiếp tục cắt giảm như Bộ NN&PTNT đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD, chiếm 34,2% ĐKKD đang quản lý. Trong đó, bãi bỏ 65 ĐKKD, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Mới đây nhất, Bộ TN&MT cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 36 ĐKKD, đồng thời sửa đổi 15 điều kiện yêu cầu đối với cá nhân trong DN, chiếm 44,7% ĐKKD đang quản lý.

“Bộ Công Thương đẻ ra quá nhiều ĐKKD, gây bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp thì việc cần làm là phải chặn, phải phạt chứ không phải giờ chạy theo để cắt”.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan