Cấp trùng thẻ BHYT: Nguy cơ lãng phí hàng chục tỷ đồng

TP - Hàng loạt các tỉnh miền Trung và cả nước rơi vào cảnh cấp trùng BHYT chủ yếu cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ chính sách, gây lãng phí tiền tỷ ngân sách Nhà nước.

> Thu tiền của hộ nghèo khi phát thẻ BHYT miễn phí
> Vứt thẻ bảo hiểm y tế của trẻ vào thùng rác

Một người sở hữu vài thẻ BHYT

Thanh tra Sở Tài chính TP Đà Nẵng vừa phối hợp Phòng LĐ-TB&XH (UBND quận Hải Châu), BHXH quận Hải Châu rà soát, phát hiện hơn 1.000 trường hợp bị cấp trùng BHYT. Chiếm phần lớn là đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, còn lại một số ít thuộc các đối tượng chính sách: người nghèo, thương binh trên địa bàn...

Tại quận Thanh Khê, qua rà soát sơ bộ, đoàn kiểm tra phát hiện trên 900 thẻ BHYT bị cấp trùng. Nhiều trường hợp một trẻ em dưới 6 tuổi “được” cấp” đến 3-4 thẻ BHYT.

 Toàn bộ tiền thu BHYT ở các địa phương đều chuyển hết ra một đầu mối Trung ương. Số tiền thu trùng này tác động đến quỹ thu, định mức chi nên nếu phải hoàn trả số tiền này sẽ gây khó khăn lớn cho BHXH địa phương.

Một cán bộ BHXH Đà Nẵng nói.

Ông Trương Toa, Trưởng phòng Sổ thẻ (BHXH TP Đà Nẵng), cho hay: Theo quy trình, các địa phương phường, xã lập danh sách, ngành LĐ-TB&XH rà soát, BHYT các quận, huyện căn cứ xuất thẻ. Trên cơ sở số lượng thẻ, địa phương “rót” ngân sách về cho ngành BHXH.

Chỉ tính riêng trẻ em dưới 6 tuổi, quy định trích 4,5% lương tối thiểu cho một thẻ BHYT, mỗi năm ngân sách chi trả từ 480.000 đồng/thẻ (theo mức lương tối thiểu 2010-2011 là 830.000 đồng). Chưa có con số chính thức, tuy nhiên ước tính Đà Nẵng có hàng ngàn thẻ BHYT bị cấp trùng bị lãng phí 5-6 tỷ đồng.

Thống kê BHXH Thừa Thiên- Huế, trong vòng 3 năm từ 2010- 2012, trên địa bàn có 25.533 thẻ BHYT bị cấp trùng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước lên đến 8 tỷ đồng. Trong đó, trên 17.800 người được cấp 2 thẻ, 539 người có 3 thẻ, 65 người có 4 thẻ và nhiều trường hợp được cấp tới 6 thẻ.

Tương tự, tại Quảng Nam, tình trạng cấp trùng thẻ phổ biến 3 năm nay. Chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó giám đốc BHXH Quảng Nam, ông Phạm Ngọc Hà cho hay, cấp trùng thẻ có từ năm 2009 khi bắt đầu thực hiện luật BHYT. Đợt rà soát năm 2012 trên toàn tỉnh cho thấy có đến 7.000 thẻ BHYT bị cấp trùng, khiến ngân sách Nhà nước “rót” nhầm lên đến 4 tỷ đồng. Lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, từ năm 2010 tỉnh này đã cấp trùng thẻ BHYT cho hơn 17.600 trường hợp với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng.

Lúng túng truy trách nhiệm

Theo ông Hà, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do chồng chéo đầu mối lập danh sách cấp thẻ BHYT. Những đối tượng này được ngân sách nhà nước chi trả BHYT nên UBND xã, phường lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo; trong khi các đối tượng cựu chiến binh, người cao tuổi, thân nhân sĩ quan quân đội lại do mỗi cấp hội này thống kê, trình danh sách.

Ông Trương Toa cũng nhận định: Loạn đầu mối nên việc thống nhất, rà soát danh sách cấp thẻ khó khăn. Phụ huynh trẻ em dưới 6 tuổi thay đổi địa chỉ tạm trú, tạm vắng đều có thể đến phường, xã đó đăng ký lại BHYT cho con. Trong khi hệ thống quản lý dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng nổi khả năng rà soát, phát hiện đối tượng trùng.

Theo BHXH Việt Nam, tổng hợp sơ bộ từ 43 tỉnh, thành trên cả nước phát hiện gần 750.000 thẻ BHYT cấp trùng. Trong đó, chiếm số lượng lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn La...

Ông Nguyễn Hùng Anh, Giám đốc BHXH quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho hay: thực tế qua rà soát, chúng tôi phát hiện phần lớn số lượng cấp trùng BHYT do lịch sử để lại, có từ thời ngành LĐ-TBXH bắt đầu chuyển dữ liệu sang cho BHXH (năm 2009). Với phần mềm hiện nay, đơn vị chỉ rà soát đối tượng trùng BHYT ở một thời điểm nhập và không liên kết được với các quận, huyện khác nên các trường hợp đã cấp, đều không thể sàng lọc, phát hiện. “Với số lượng cấp thẻ mỗi đợt quá lớn, nếu kiểm soát thủ công chắc chắn không xuể”, ông Anh nói. Chưa kể, thực tế một số cán bộ phường, xã khi phát hiện thẻ trùng không báo lên trên để sàng lọc, rút lại vì họ cho rằng đó là “tiền ngân sách”.

Hiện, các địa phương lúng túng “truy” trách nhiệm và xử lý việc cấp thẻ BHYT. Ở đây có trách nhiệm của đơn vị của địa phương, ngành LĐ-TBXH và liên đới ngành BHYT. “Đơn cử một đối tượng hộ nghèo được cấp thẻ BHYT, khi chuyển sang người cao tuổi, do hội này lập danh sách, cấp lại BHYT. Khi đó, Phòng LĐ-TB&XH địa phương có trách nhiệm thu hồi thẻ cũ. Tuy nhiên, phần lớn đều không thực hiện nổi” – ông Hà nói.

Theo Báo giấy