Cấp phép đầu tư cho người xây dựng cảng cá lậu: Có thuyết phục?

TP - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký một quyết định khiến dư luận bàn tán: Cấp phép đầu tư cảng cá theo phương thức xã hội hóa cho chính đối tượng đã xây dựng cảng cá lậu trong khu vực phòng thủ Hòn La và chống đối quyết liệt khi lực lượng chức năng thực hiện lệnh cưỡng chế.
Đến nay, cầu cảng do ông Tưởng Văn Thịnh xây lậu vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Khó hiểu

Năm 2015, ông Tưởng Văn Thịnh, một đối tượng trong vùng đã tự ý xây một cảng cá lậu nằm ngay khu vực phòng thủ Hòn La, thuộc xã Quảng Đông để kinh doanh trái phép. Cảng lậu này quy mô có thể tiếp nhận cùng lúc gần chục tàu cá cập cầu cảng. Tuy nhiên, chỉ đến khi báo chí “phát hiện” vào tháng 3/2017, chính quyền huyện Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình mới nháo nhào tìm cách cưỡng chế cảng lậu.

Quyết định cưỡng chế của ông Phan Ngọc Duy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch được ký vào đầu tháng 4/2017, giải phóng hoàn toàn cầu cảng, trả lại mặt biển nguyên trạng trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, lực lượng cưỡng chế chỉ làm chiếu lệ, đến nay cầu cảng này vẫn yên vị, thách thức pháp luật và dư luận.

Thay vì điều động lực lượng tiếp tục hoàn thành việc cưỡng chế, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thì ngày 6/9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lại cấp phép xây dựng cảng cá theo phương thức xã hội hóa cho chính ông Tưởng Văn Thịnh.

Quyết định số 3132, của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến dịch vụ hậu cần nghề cá Mũi Ông của Công ty TNHH TMTH Phước Thịnh, do ông Tưởng Văn Thịnh làm giám đốc có quy mô: Bốc xếp hàng hóa 40.000 tấn/năm; đáp ứng tối thiểu cho 197 tàu có công suất dưới 20CV, 50 tàu thuyền không gắn máy và cung cấp đầy đủ nhu cầu dịch vụ hậu cần kèm theo.

Địa điểm đầu tư tại khu vực Mũi Ông, Khu Kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, cách cảng lậu của ông Thịnh trước đó chừng 180m. Diện tích của cảng cá này là 3ha, một nửa là mặt nước biển, vốn đầu tư 45 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2018, thời hạn 50 năm.

Mục tiêu của dự án: Mua bán thủy sản các loại; chế biến, bảo quản thủy sản và các loại sản phẩm thủy sản; buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống; bán lẻ hàng nông, thủy, hải sản; kho bãi và lưu giữ hàng hóa thủy hải sản trong kho đông lạnh, cho thuê bến bãi; kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, bách hóa tổng hợp và kinh doanh xăng, dầu, ngư lưới cụ; sản xuất đá lạnh, sửa chữa tàu thuyền...

Quyết định này cũng nói đến dự án của ông Thịnh được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình và BQL Khu Kinh tế theo quy định hiện hành.

Ai chống lưng cho ông Tưởng Văn Thịnh?

Từ việc một cảng cá lậu có quy mô lớn tồn tại 2 năm trời mà chính quyền không xử lí, đến hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế nhưng không bị xử lí, và cuối cùng là được cấp phép xây cảng hợp pháp... khiến dư luận nghi ngờ thế lực nào đó đang chống lưng cho ông Tưởng Văn Thịnh.

Nghi ngờ này càng rõ hơn, khi lực lượng cưỡng chế với nhiều ngành chức năng tham gia, đã lập một biên bản hiện trạng tháo dỡ công trình vi phạm một cách gian dối đến kệch cỡm. Ông Tưởng Văn Thịnh từ người vi phạm thành người có công, nhằm làm đẹp hồ sơ cấp phép xây dựng cảng cá theo phương thức xã hội hóa.

Theo đó, biên bản được lập vào 21h ngày 13/4/2017, có đầy đủ chữ ký của đại diện chính quyền xã Quảng Đông, chính quyền huyện Quảng Trạch, BQL Khu Kinh tế Quảng Bình với nội dung: “Bản thân và gia đình ông Tưởng Văn Thịnh đã tự giác tháo dỡ cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, đã phá dỡ các công trình vi phạm. Hiện trạng sau khi tháo dỡ như sau: Ông Tưởng Văn Thịnh đã tháo dỡ toàn bộ lán trại; di dời toàn bộ vật dụng tài sản ra khỏi khu vực công trình xây dựng trái phép; đào xúc và bốc vận chuyển đi nơi khác toàn bộ khối lượng đất, đá phong hóa dùng để tạo lập công trình cảng cá trái phép theo đúng phương án đề xuất của Ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Bình (đã được các ngành thống nhất) và trả lại mặt bằng cảng biển cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Biên bản là vậy, song trên thực tế, trong ngày đầu tiên thực hiện lệnh cưỡng chế, lực lượng chức năng đã rất vất vả khi bị nhiều đối tượng chống đối quyết liệt. Công an đã phải khống chế một số đối tượng có hành vi quá khích, mới vãn hồi trật tự để lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế. Hàng loạt clip được người dân quay lại cảnh gây rối hiện vẫn còn lưu trữ, cho thấy việc cưỡng chế gặp nhiều khó khăn chứ không phải là sự tự nguyện như biên bản báo cáo.

Ông Phan Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, người ký vào biên bản nói trên vẫn cố tình lấp liếm: “Ban đầu là quyết định cưỡng chế nhưng trong quy trình cưỡng chế nó có quy trình vận động tự giác tháo dỡ, trong quá trình đó ông Tưởng Văn Thịnh có chấp hành, tức là vận động ông tự tháo dỡ lán. Riêng phần đất không đủ năng lực thì ông nhờ khu kinh tế hỗ trợ để đào đi”.

Tại hiện trường, cho đến nay đã gần 8 tháng kể từ ngày thực hiện lệnh cưỡng chế, cảng lậu của ông Tưởng Văn Thịnh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, một số tàu cá của ngư dân vẫn vào cập cảng chứ không như nội dung biên bản và lời ông Thanh nói.

Một động thái nữa khiến dư luận nghi ngờ có ai đó chống lưng cho ông Tưởng Văn Thịnh, hoặc đã có một sự thỏa hiệp ngầm nào đó thì ông Tưởng Văn Thịnh mới chấp nhận để lực lượng chức năng cưỡng chế cảng lậu của mình. Đó là, biên bản kết thúc việc cưỡng chế vào ngày 13/4/2017, thì ngày 17/4/2017, ông Tưởng Văn Thịnh lập Công ty TNHH TMTH Phước Thịnh, để hợp thức làm các thủ tục đầu tư cảng mới. Một công ty vừa mới thành lập, được cấp phép đầu tư xây dựng cảng cá lên đến 45 tỷ đồng quả chưa có tiền lệ.