Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn: Điều chuyển khối lượng thi công linh hoạt để 'cán đích'

TP - Cùng với các khó khăn như phải xử lý nền đất yếu nhiều vị trí, thiếu đất đắp nền, dự án cao tốc Quốc lộ (QL) 45 - Nghi Sơn còn phải đối diện với sự thi công lửng thửng của một số nhà thầu. Bằng sự quyết liệt và linh hoạt, chủ đầu tư đã điều chuyển một khối lượng xây lắp lớn từ nhà thầu thi công chậm sang các nhà thầu có tiến độ tốt, giúp dự án sớm “cán đích”.
Cao tốc QL45 - Nghi Sơn đã hoàn thiện thi công dịp cuối tháng 8, chờ ngày thông xe trong tháng 9

“Mắt xích” quan trọng trên cao tốc Bắc - Nam

Cao tốc QL45 - Nghi Sơn thuộc nhóm 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1), toàn tuyến có chiều dài 43,2 km chạy qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong số ít dự án giai đoạn 1 có điều kiện thi công như nhau, khó khăn như nhau nhưng lại hoàn thành, thậm chí vượt tiến độ thời gian thi công ở thực tế. Cụ thể, dự án được Bộ GTVT khởi công ngày 1/7/2021, có thời gian hoàn thành theo Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 4/2/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 1/3/2021 của Chính phủ là tháng 12/2023. Tuy nhiên, trước sức ép giảm tải cho QL1A và nhu cầu cấp thiết cần thông tuyến của cao tốc Bắc Nam đoạn Hà Nội - Nghệ An mà dự án là “mắt xích” không thể không chuyển động, sau nhiều nỗ lực thi công đến thời điểm Quốc khánh 2/9/2023, dự án đã hoàn thành thi công xây lắp, đảm bảo tiến độ thông xe theo thời gian đặt ra của Bộ GTVT. Vượt tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ 3 tháng.

Dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn có chiều dài 43,2 km, được Bộ GTVT khởi công ngày 1/7/2021, có tiến độ hoàn thành tháng 12/2023. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 8.380 tỷ đồng. Dự án được đầu tư với mục tiêu hoàn thiện cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2016 - 2020, cùng với đó, tạo thuận lợi đi lại, giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí vận tải… Toàn tuyến có 2 nút giao, gồm nút giao Vạn Thiện (Nông Cống), nút giao Bãi Chành - Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ở giai đoạn phân kỳ đầu tư thứ nhất, dự án có nền đường rộng 17 mét, tương đương 4 làn xe, mỗi chiều đường 2 làn, tốc độ xe chạy tối đa 80km/h. Giai đoạn phân kỳ đầu tư thứ 2, tuyến đường sẽ mở rộng lên 34,5m - tương đương 6 làn xe (mỗi chiều 3 làn), tốc độ chạy xe tối đa 120km/h.

Dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn có điểm đầu tại đoạn nối tiếp với cao tốc Mai Sơn - QL45 tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống (dự án đã thông xe dịp 30/4/2023); điểm cuối dự án là đoạn nối tiếp với cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu tại thị xã Nghi Sơn (dự án cũng có kế hoạch thông xe và dịp 2/9/2023). Việc cao tốc QL45- Nghi Sơn hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp cho phương tiện ô tô lưu thông trên cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội về đến Thanh Hóa dễ dàng, sau đó tiếp tục tiếp cận cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu để chạy vào địa phận tỉnh Nghệ An. Với hành trình Hà Nội - thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) dài khoảng 260 km, bình thường ô tô đang di chuyển hết hơn 5 giờ đồng hồ, sau khi cao tốc QL45 - Nghi Sơn và cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe, thời gian chạy xe theo hành trình này được rút ngắn còn khoảng 3 giờ đồng hồ (rút ngắn thời gian đi lại gần một nửa).

Tư vấn giám sát dự án cho hay, công trình được đầu tư với mục tiêu hoàn thiện cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2016 - 2020, cùng với đó, sau khi hoàn thành, dự án tạo thuận lợi đi lại, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí vận tải; đồng thời giúp các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… kết nối thông suốt, dễ dàng với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) thông qua hoạt động logistics…

Ông Lê Thắng (người giơ tay) cùng với nhà thầu trực tiếp tham gia công tác thảm nhựa xuyên đêm tại công trường gói thầu bị chậm XL03 trong những ngày tháng 8 vừa qua

Điều chuyển nhà thầu, xuyên đêm thi công để “cán đích"

Sau đúng 2 năm thi công, đến thời điểm tháng 7/2023, theo đánh giá của Tư vấn giám sát, mặc dù thời gian thông xe dự án còn rất ngắn, nhưng chỉ gói thầu số XL02 là hoàn thành xây lắp theo đúng tiến độ đặt ra là trên 90% khối lượng; các gói: XL01 chỉ đạt 80% khối lượng, gói XL03 đạt 70% khối lượng. Do khối lượng xây lắp của các gói XL01, XL03 đạt tỷ lệ thấp nên đã “đánh tụt” sản lượng thi công toàn dự án là 80%.

Để tạo sự đồng bộ và thông suốt tuyến cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội về đến Nghệ An, nhất là khi tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có kế hoạch thông xe dịp Quốc khánh 2/9/2023 nên cao tốc QL45 - Nghi Sơn cũng không thể nằm ngoài tiến độ này (mặc dù dự án thời gian thi công đến tháng 12/2023). Thời điểm tháng 7/2023 đến dịp Quốc khánh 2/9 chỉ còn 2 tháng, trong khi khối lượng công việc tại dự án còn khối lượng khá lớn - đến 20%. Từ thực tế này khiến chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT đã liên tục họp với các nhà thầu để đưa ra các phương án điều chỉnh, thi công tối ưu nhất.

Cụ thể, với giải pháp thi công, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu bắt đầu đẩy mạnh phương án thi công “3 ca, 4 kíp” cả ngày và đêm trên toàn công trường dự án. Với giải pháp điều chỉnh thi công, qua rà soát và đánh giá, chủ đầu tư thấy rằng, tại các gói thầu thi công chưa đạt khối lượng xây lắp theo yêu cầu, ngoài nguyên nhân khách quan là thiếu đất đắp, phải xử lý nền đất yếu nhiều đoạn, còn có nguyên nhân chủ quan từ các nhà thầu, trong đó có việc một số đoạn đã có mặt bằng sạch nhưng thi công chậm, lửng thửng, không tuân thủ giải pháp, tiến độ chủ đầu tư đưa ra.

Trước tình hình trên trong thời gian từ nửa tháng 7 đến tháng 8, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 đã có mặt thường xuyên ngày, đêm tại công trường vừa tháo gỡ các khó khăn vừa đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh thi công dự án. Với một số đoạn dự án tại gói thầu XL03 bị chậm, ngay trong đầu tháng 8, lãnh đạo Ban QLDA 6 đã cương quyết điều chuyển gần như toàn bộ khối lượng thi công xây lắp của liên danh nhà thầu gói XL03 bị chậm cho liên danh nhà thầu đang đáp ứng tiến độ ở gói XL02 tốt hơn là Cty cổ phần LiZen - Cty TNHH Tập đoàn Định An - Cty cổ phần 471.

Cấp tập thảm nhựa mặt đường tại một số gói thầu đến tháng 7 mới xử lý xong nền đất yếu
Cấp tập thảm nhựa mặt đường tại một số gói thầu đến tháng 7 mới xử lý xong nền đất yếu
Cấp tập thảm nhựa mặt đường tại một số gói thầu đến tháng 7 mới xử lý xong nền đất yếu

Tại công trường dự án giữa tháng 8/2023, trao đổi với PV Tiền Phong về phản ứng của nhà thầu trước việc bị chủ đầu tư điều chuyển gần hết số lượng công việc đang thi công tại gói XL03 cho nhà thầu khác, một đại diện liên danh nhà thầu tại gói thầu này nói: Nhà thầu đang gặp một số khó khăn trong việc huy động vật liệu đắp, thảm nền đường, do vậy nhà thầu chấp hành việc điều chuyển này và thấy rằng đây là phương án tốt nhất cho dự án. Thực tế này cũng giúp nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tại các đoạn, công việc còn lại của gói thầu.

Sau khi điều chuyển khối lượng thi công tại đoạn dự án đang bị chậm cho nhà thầu khác, trong thời gian từ cuối tháng 7 đến giữa cuối tháng 8, các lãnh đạo Ban QLDA 6 trong đó có ông Lê Thắng, Giám đốc Ban đã ngày đêm có mặt tại dự án, trong đó có 12 km đang thi công dở dang ở gói XL03 để giám sát, chỉ đạo thi công trực tiếp. Tại công trường dự án đêm 18/8, ông Thắng cho biết, nhờ việc điều chuyển khối lượng thi công từ nhà thầu này sang nhà thầu khác mà tiến độ xây lắp của gói XL03 được đẩy lên, cùng với đó, tại các nhà thầu ở gói xây lắp khác cũng lo ngại sẽ bị điều chuyển khối lượng thi công nếu tiến độ bị chậm nên từ giữa tháng 7 đã huy động tổng lực hoàn thành các phần việc cuối cùng. Thực tế này, giúp dự án đến 30/8 cơ bản hoàn thành việc xây lắp, sẵn sàng thông xe theo thời gian và kế hoạch đặt ra của Bộ GTVT.