Cạnh tranh đang nóng lên ở vùng Cực bắc

TP - Các hoạt động sâu rộng của Trung Quốc ở khu vực Bắc cực có thể mở đường cho sự tăng cường hiện diện quân sự, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm để ngăn chặn tấn công hạt nhân, Bộ Quốc phòng Mỹ nói trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm.
Một tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc. Ảnh: NI

Đánh giá này được đưa vào bản báo cáo thường niên của quân đội Mỹ gửi quốc hội về các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Hồi tháng 6/2018, lần đầu tiên Trung Quốc công bố sách trắng về chính sách Bắc cực, cho dù nước này không phải là quốc gia vùng cực.

Theo sách trắng này, Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch phát triển các tuyến hàng hải, hình thành từ sự nóng lên toàn cầu, để kiến tạo “Con đường tơ lụa vùng Cực bắc”, dựa trên nền tảng sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc, mặc dù là một quốc gia không thuộc Bắc cực, nhưng ngày càng hoạt động mạnh ở vùng cực và trở thành thành viên quan sát của Hội đồng Bắc cực vào năm 2013. Điều đó đã gây ra lo ngại từ các quốc gia Bắc cực về các mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc triển khai quân sự.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc cực gồm tám quốc gia ở Rovaniemi, Phần Lan, bắt đầu vào thứ Hai tới, trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc, gia tăng lợi ích thương mại ở Bắc cực.

Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng Đan Mạch đã bày tỏ sự lo ngại về mối quan tâm của Trung Quốc đối với Greenland, trong đó bao gồm các đề xuất thành lập trạm nghiên cứu và trạm mặt đất vệ tinh, cải tạo sân bay và mở rộng khai thác khoáng sản.

“Các nghiên cứu mang tính dân sự có thể hỗ trợ tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Băng Dương, có thể bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực này như một biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ viết, theo Reuters.

Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng quân đội Trung Quốc đã xếp việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm vào hàng ưu tiên cao. Hiện nay hải quân Trung Quốc vận hành bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, sáu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công thông thường, báo cáo cho biết.

Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc có thể sẽ tăng lên đến 65- 70 tàu vào năm 2020, báo cáo dự đoán.

Báo cáo cho biết Trung Quốc đã đóng sáu tàu ngầm lớp Tấn, bốn chiếc đang hoạt động và hai chiếc đang trong quá trình đóng tại Nhà máy đóng tàu Hồ Lô Đảo.

Trong một báo cáo hồi tháng 1, tình báo Quân đội Mỹ (DIA) nói hải quân Trung Quốc sẽ cần tối thiểu năm tàu ngầm lớp Tấn để duy trì khả năng răn đe hạt nhân liên tục trên biển.

Vùng cực nóng bỏng

Bắc cực đang trở thành một chiến trường mới về tài nguyên và an ninh, quân sự... giữa các cường quốc, các quốc gia vùng cực. Điều này không khó hiểu bởi vùng đất tuy lạnh giá nhưng đang nóng lên về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này được xem là rất giàu tài nguyên, khoáng sản.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính rằng các khu vực phía bắc Vành đai Bắc cực có 90 tỷ thùng dầu, 1.669 nghìn tỷ m3 khí đốt tự nhiên và 44,1 tỷ thùng khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, còn có lý do khác để các quốc gia đua tranh hiện diện ở vùng Bắc cực.

Một bài viết của học giả Trung Quốc đăng trên nhật báo Thanh niên Trung Quốc nói rằng về vị trí địa lý, Bắc cực có tầm quan trọng lớn về quân sự và chiến lược. Lý Chí Tân, đến từ Trường Chính trị, Học viện Quốc phòng Trung Quốc nói do vĩ độ cao và tầm nhìn không bị chặn, khu vực này có giá trị đặc biệt trong việc phòng ngừa chiến lược.

Về mặt lý thuyết, khoảng cách từ Bắc cực đến bất kỳ điểm nào trên Bắc bán cầu là ngắn nhất. Xem xét khả năng tấn công của các quốc gia hiện tại bằng vũ khí hạt nhân, một tên lửa được phóng từ Bắc Băng Dương gần như có thể đến bất kỳ nơi nào trên Bắc bán cầu, do đó tạo ra sức răn đe quân sự rất mạnh.

Học giả Lý cho rằng, xu hướng băng tan ở Bắc cực và sự phát triển của vũ khí hiện đại chỉ là cơ hội tốt để họ củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực. Một mặt, bất kỳ quốc gia nào kiểm soát các tuyến đường thủy ở Bắc cực đều có thể tập trung và triển khai lực lượng hải quân nhanh chóng đến một nơi được chỉ định trên biển thông qua các tuyến đường thủy đó; mặt khác, Bắc Băng Dương được bao phủ bởi băng và tuyết quanh năm, và lớp băng dày của nó cung cấp nơi trú ẩn tự nhiên cho vũ khí quân sự bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân chiến lược.