Thông tin nguyên nhân ban đầu về vụ tai nạn xe tàu hỏa đâm xe ba bánh sáng 8/5, ông Giang cho biết, vụ việc xảy ra vào lúc 9h05 tại đoạn đường sắt chạy gần ngã tư Xã Đàn - Giải Phóng. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, xe ba bánh đang dừng bốc xếp gạch trên hành lang hoạt động của tàu hỏa, khi đoàn tàu mang số hiệu SE5 Bắc - Nam chạy đến, chủ xe ba gác đã không kịp xử lý, khiến tàu hỏa tông vào xe ba bánh, sau đó kéo kê hơn 10 mét. Cùng với xe phương tiện bị hư hỏng nặng, lái xe ba gác cũng bị thương do ảnh hưởng vụ tai nạn. Hiện vụ tai nạn đang được công an quận Hai Bà Trưng thụ lý làm rõ, xử lý.
Đánh giá về thực trạng hoạt động của tàu hỏa và vi phạm hành lang an toàn đường sắt hiện nay trên địa bàn Hà Nội, ông Giang cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 6 tuyến đường sắt chạy qua, phủ rộng trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã. Mặc dù theo quy định, để tàu hỏa động an toàn, khoảng cách từ đường ray đến nhà dân phải được đảm bảo từ 3 đến 7 mét, tuy nhiên hầu hết các tuyến đường sắt chạy qua khu vực đông dân cư tại Hà Nội hiện nay chỉ có 1,5 đến 2 mét, khoảng cách này rất nguy hiểm cho việc xử lý tình huống nếu người và phương tiện có vi phạm về hành lang đường sắt.
Ngoài nhà dân ở quá sát đường tàu, với các đoạn đi qua các tuyến phố trung tâm, khu vực đông dân cư đang có tình trạng các hộ kinh doanh bày bán hàng quán, dựng mái che, mái vẩy… trên hành lang an toàn tàu chạy. Cùng với đó, ông Giang cũng cho biết, theo thống kê của liên ngành Hà Nội, trên toàn địa bàn thành phố đang có khoảng 400 đường ngang dân sinh tự phát, đây là những đường ngang đi qua đường tàu dân tự mở và không có gác chắn, người canh gác.
“Không chỉ mở để đi lại, nhiều đường ngang còn mở để phục vụ kinh doanh, xe ra vào bốc dỡ hàng… Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên những vụ tai nạn thương tâm thời gian qua”, ông Giang thông tin.
Đề cập đến quá trình tuần tra, kiểm soát vi phạm và công tác đảm bảo an toàn đường sắt, ông Giang cho biết, cùng với chủ động tuần tra, tuyên truyền, xử lý vi phạm, hiện Đội đang phối hợp với chính quyền các địa phương có đường tàu đi qua, rà soát và có giải pháp cho khoảng 400 đường ngang tự phát hiện có.
“Với những điểm có đủ điều kiện chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng cấp phép, bố trí người, gác chắn cảnh giới, với những điểm không đảm bảo sẽ cương quyết cưỡng chế, tháo dỡ”, ông Giang nhấn mạnh.
Theo ông Giang, năm 2017, Đội CSGT đường sắt Hà Nội đã xử phạt trên 2.600 trường hợp vi phạm.