Cảnh sát Anh chuyển hồ sơ 4 nạn nhân trong xe container cho Việt Nam

TP - Liên quan đến 39 nạn nhân tử vong trong xe container ở Anh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, cảnh sát Anh chuyển hồ sơ 4 nạn nhân cho Việt Nam để “chắp nối thông tin, xác minh nhân thân”. 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 28/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “chưa thể nói được cụ thể về vụ 39 người tử vong trong chiếc container đưa người nhập cư trái phép vào Anh”. Trước những nghi ngờ về khả năng có nạn nhân người Việt Nam, Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán tại Anh theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ với phía Anh để xác minh.

Cũng theo ông Sơn, bước đầu Anh mới làm được hồ sơ 4 trong số 39 nạn nhân tử vong trong container. Những hồ sơ này đã được chuyển sang Việt Nam để “chắp nối thông tin, xác minh nhân thân”. Các hồ sơ này đã được Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận. “Phía Anh bắt đầu thực hiện công việc liên quan đến hồ sơ nạn nhân từ hôm trước, nhưng mỗi ngày chỉ làm được 5 - 6 trường hợp”, ông Sơn cho biết.

Về tiến trình điều tra, ông Sơn thông tin, việc xác minh không thể nhanh chóng bởi phải nhận diện nạn nhân dựa trên kết quả xét nghiệm ADN. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đang xây dựng hồ sơ các nạn nhân để phối hợp điều tra. “Họ không chấp nhận nhận diện bên ngoài mà chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm ADN”, ông Sơn nói và cho biết, ngày 28/10, cơ quan đại diện Việt Nam gặp Đại sứ Anh tại Hà Nội để trao đổi thông tin. Trong trường hợp khẳng định được những người bị nạn là công dân Việt Nam sẽ có những hành động cụ thể.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tất cả thông tin mà gia đình phản ánh “nghi ngờ con em là nạn nhân trong xe container” đều được chính quyền các cấp tiếp nhận. Sở Ngoại vụ là cơ quan để liên hệ với Cục Lãnh sự của Việt Nam cung cấp những thông tin cần thiết cho bên Anh xác lập thông tin. Công an cũng đang rà soát, kiểm tra lại các vấn đề liên quan. 

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định, trước mắt tỉnh tập trung xác minh thông tin để xem có công dân Việt Nam là người Nghệ An, nằm trong số người bị nạn hay không. “Mình cung cấp cả mẫu (tóc, móng tay) cho người ta làm rồi. Cái này tốt nhất chờ thông tin chính xác thì mới nói cụ thể, tránh đồn đoán gây hoang mang”, ông Vinh nói.

Người Việt bị mua bán vào Anh chủ yếu trồng cần sa, làm móng

Theo nhà chức trách Anh, nạn nhân bị mua bán vào Anh tới từ 102 quốc gia, trong đó số nạn nhân là người Việt nhiều thứ 2. Những nạn nhân người Việt thường bị ép buộc lao động trong các trang trại trồng cây cần sa, tài mà, hoặc làm móng (nail).

Cụ thể, theo Tờ trình Thủ tướng về Biên bản ghi nhớ phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland, có khoảng 100.000 người Việt sống và làm việc tại Anh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu, trong đó có Anh. 

Tờ trình dẫn tin theo cơ quan chức năng của Anh nói, tại nước này có khoảng 10.000 nạn nhân bị mua bán, đến từ 102 quốc gia. Trong đó, số nạn nhân là người Việt Nam đứng thứ 2 (năm 2017 khoảng 500 người). Đa phần các nạn nhân người Việt tới từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Anh, ép buộc lao động trong các trang trại trồng cây có chứa chất gây nghiện (như cần sa, tài mà), hoặc trong các tiệm làm móng.

Thủ đoạn phổ biến của đối tượng phạm tội là lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực. Chúng đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục. Nhiều nạn nhân người Việt Nam thông qua các tuyến đường khác nhau để di cư trái phép sang Anh.

PHẠM THANH