> Vàng nguyên liệu chất lượng kém có thể nhập từ Trung Quốc
Thủ đoạn chính - Trộn bột
Thủ đoạn phổ biến nhất mà bọn làm vàng giả áp dụng là trộn bột siêu nặng với vàng thay vì làm thành một cục và nhét vào giữa khối vàng.
“Chúng tôi chưa thấy thông báo trường hợp nào đóng bột siêu nặng thành cục rồi nhét vào giữa khối vàng”, TS Nguyễn Thế Quỳnh, thành viên nhóm thiết kế thiết bị phát hiện bột siêu nặng lẫn trong vàng ở Viện Khoa học Vật liệu thuộc VAST, nói.
“Về mặt kỹ thuật, thực hiện theo hướng đó cũng gần như bất khả do tính chất hóa lý đặc biệt của các thành phần bột siêu nặng gồm các nguyên tố Osmium (Os), Iridium (Ir), và Ruthnium (Ru)”.
Ông Hoàng Thành Sơn, Giám đốc Cty TNHH Tân Thành Trung- doanh nghiệp sở hữu một trong những trung tâm giám định vàng uy tín nhất ở Hà Nội và khu vực miền Bắc, bổ sung: “Thủ đoạn thả lõi kim loại vào tâm khối vàng xưa lắm rồi. Ở đây, chúng tôi chủ yếu gặp các vụ trộn bột siêu nặng trong vàng mà mắt thường rất khó phát hiện”.
Ông Sơn còn ngạc nhiên trước thông tin trên một số báo đài thời gian gần đây cho rằng, bọn làm vàng giả trộn volfram dạng cục hoặc dạng bột vào vàng.
TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Phân tích, Viện Hóa học - VAST, giải thích, do tỷ trọng của volfram gần như bằng vàng nên dù ở dạng bột nó cũng rất khó chìm vào bên trong thỏi vàng khi vàng nóng chảy.
“Nó sẽ phân bố đều trên bề mặt vàng và làm cho bề mặt sản phẩm bị xám hẳn lại”, TS Lợi nói từ thực nghiệm do đích thân ông thực hiện tại Viện Hóa học. Chỉ cần hòa volfram vào vàng với tỷ lệ 10% trong một cuộc thực nghiệm sơ bộ chiều 18-5, sản phẩm mà nhà khoa học thu được là một thỏi vàng không còn là màu vàng nữa.
Nay với dạng bột, điều kỳ lạ là, thứ bột siêu nặng kia tuy nặng hơn vàng nhiều song khi trộn với vàng lại làm thay đổi rất ít màu sắc sản phẩm. Bọn làm hàng giả đã trộn bột siêu nặng đến 30% tổng khối lượng vàng mà mắt thường vẫn khó phân biệt, TS Lê Quang Huy - trưởng nhóm chế tạo thiết bị phát hiện bột siêu nặng thế hệ mới, nói.
Phát hiện thế nào?
Thủ đoạn trộn nói trên bị phát hiện ở Việt Nam từ cuối tháng 12-2010 và rộ lên từ đầu năm 2011 đến nay. Thông tin có được là do các chủ tiệm vàng từ khắp nơi trên cả nước gửi mẫu vàng rởm về cho nhóm chuyên gia chế tạo thiết bị giám định chất lượng vàng và kim loại quý ở Viện Khoa học Vật liệu (IMS). Bằng kinh nghiệm thiết kế và bảo trì thiết bị đặc thù này suốt 20 năm qua, các chuyên gia chỉ ra một số cách thức phát hiện như sau.
Trước hết, khi nấu chảy vàng, cần chú ý quan sát quá trình nóng chảy của nó. Nếu cục vàng có biểu hiện bị trộn bột siêu nặng, sẽ cảm thấy vàng khó chảy hơn và độ chảy lỏng của nó kém hơn so với vàng bình thường. Hơn nữa, cục vàng bị trộn bột siêu nặng thường có biểu hiện mặt trên không bị lõm xuống, những người trong nghề hay gọi là “không sập”, như với vàng thông thường.
Trường hợp này, ngay cả khi đo bằng chương trình thông thường trên các máy giám định dù của bất cứ nước nào, sẽ không thể phát hiện được; có khi còn thấy tuổi vàng được hiển thị trên màn hình bằng con số vẫn rất cao, tới 99,9%.
Khi vàng bị trộn nhiều bột, quan sát kĩ sẽ thấy mặt của cục vàng bị sần như có các hạt cát nằm ngay phía dưới bề mặt vàng và có thể bị phủ một lớp váng màu máu đỉa. Do đó, cần phải nấu vàng chảy kĩ và quan sát.
Có thể cho ngọn lửa xoáy xung quanh cục vàng nhằm vun các hạt bột siêu nặng tụ lại gần nhau hơn và, do đó, hỗ trợ cho máy phổ kế huỳnh quang tia X dễ phát hiện hơn. Tóm lại, khi có nghi ngờ, cần kiểm tra khắp bề mặt của cục vàng trước khi đưa lên máy giám định.
Theo TS Nguyễn Thế Quỳnh, với việc cải tiến chương trình phân tích để nhận biết loại bột nói trên, khi có bột này trộn trong mẫu, máy sẽ báo.