Cánh diều vàng 2021: Điện ảnh Việt cần thêm nhiều 'Đêm tối rực rỡ'

TPO - Cánh Diều Vàng gọi tên Đêm tối rực rỡ ở những hạng mục quan trọng (Phim truyện điện ảnh, Biên kịch, Nữ diễn viên chính, Quay phim và Nam diễn viên phụ) là hoàn toàn xứng đáng. Và cũng có thể nói là một may mắn cho kỳ giải thưởng này. Vì đây là một phim vượt hẳn lên mặt bằng chung làng nhàng nếu không nói là chưa sạch nước cản của phim Việt nhiều năm trở lại đây.

Tất nhiên không khỏi chạnh lòng khi đạo diễn Đêm tối rực rỡ Aaron Toronto là người Mỹ. Nhưng bù lại phim rất Việt Nam. Phim nâng niu những yếu tố truyền thống văn hóa của Việt Nam và dựa vào đó để tạo phong vị riêng. Đây là điều các nhà làm phim Việt thường không ngó tới.

Phim kể một câu chuyện cũng đậm chất Việt, đi sâu vào diễn tả bi kịch gia đình Việt với những thói gia trưởng, hủ bại, những quan điểm sống đối chọi nhau dưới vỏ bọc êm ấm. Đi sâu vào đời sống, vào văn hóa Việt thách thức ngay cả các nhà làm phim Việt.

Nhưng Đêm tối rực rỡ tìm được một lăng kính riêng để rọi chiếu vào hiện thực rối bời của truyền thống gia đình Việt. Đó là thông qua một đám tang, và còn cô đọng hơn nữa, chỉ trong một đêm. Đó cũng là một bài toán khó mà nhà làm phim tự buộc mình phải giải. Nhưng đồng thời nó cũng giúp cho bộ phim nhanh chóng đạt tới cao trào trong một không- thời gian đặc quánh. Đúng như khẳng định của đạo diễn: “Đám ma là lúc gia đình tụ họp, là lúc dễ nhìn sâu vào tâm hồn con người. Mượn đám ma để mổ xẻ mâu thuẫn gia đình, bi kịch nhân vật quá tiện”.

Đám tang là chìa khóa mở ra nhiều chiều cảm xúc khó lường trước...

Quan niệm về cái chết, về thế giới bên kia bao giờ cũng thể hiện sinh động nhãn quan của mỗi cộng đồng, bản sắc của mỗi nền văn hóa. Chính đêm tối là cái nền cho những trầm tích văn hóa thể hiện qua lễ lạt ma chay của người Việt bừng sáng lên.

Chiếc bàn thờ rực rỡ trong căn nhà u tịch, sáng tối tranh nhau là nơi bày đặt những phẩm vật, đồ mã… đắt đỏ nhất. Là nơi tâm thức của mọi thành viên trong gia đình hướng tới với lòng thành kính. Là nơi được chăm nom đầu tiên và cũng là thành trì linh thiêng cuối cùng một gia đình có thể gìn giữ. Chính vì thế mà bà vợ đã chọn bàn thờ là nơi gửi gắm sổ đỏ trước nguy cơ bị chủ hộ mang đi cầm cố nốt.

Một chiếc bàn thờ lung linh hay những lễ lạt cầu kỳ cũng là một cách để người sống trốn tránh những vấn đề nan giải của trần thế. Nhã Uyên, đồng biên kịch phim chia sẻ cảm giác choáng thuở mới lớn khi chứng kiến người chuyển giới hát trong đám tang. Bố mẹ cô chia sẻ đó là quan niệm của người dân miền Nam muốn làm đám ma náo nhiệt để chứng minh họ sẽ sống tốt, sống vui để người đã khuất không phải bận tâm. “Chuyện đó làm tôi ấn tượng mạnh. Đám tang miền Nam quá độc đáo, xứng đáng đưa lên màn ảnh,” Uyên kết luận.

“Cũng có lúc, đám tang kiểu này khiến vợ chồng tôi thấy phiền vì họ hát thâu đêm suốt sáng, trong nhiều ngày. Anh Aaron lại nhạy cảm với tiếng ồn, không ngủ được khi gần nhà có đám tang. Chúng tôi muốn diễn tả cảm giác này”, cô cho hay. Hình thức rình rang cũng là thứ mà gia đình này muốn trưng ra với gia đình khác. Thái độ của hàng xóm với tang gia và người vừa nằm xuống cũng là những chi tiết thú vị mà phim không bỏ qua.

Sau khi đã tìm được bối cảnh lý tưởng, đến lượt câu chuyện. Tất nhiên trong gia đình, mối quan hệ cha mẹ con cái sẽ là trung tâm khai thác. Đêm tối rực rỡ diễn tả quy luật nhân quả qua ba thế hệ. Đời cha ăn mặn, đời con cố gắng đi tìm nước và đời cháu không cẩn thận có thể chết chìm. Bởi hệ lụy của đời cha ông để lại đã không được hóa giải rốt ráo ở thế hệ thứ hai, dẫn đến việc chính thế hệ này cũng đang phải đương đầu với những vấn đề riêng không dễ chia sẻ.

Khi thế hệ sau vùng lên phản kháng những lề thói cổ hủ trong gia đình.

Gia đình cũng là một tập hợp các mối quan hệ xã hội từ các thành viên. Nữ chính (vai của Nhã Uyên) là một người mẹ đơn thân vừa bước ra khỏi cuộc ly hôn với chồng giàu trong khi bệnh trầm cảm vẫn chưa dứt. Trong khi em gái của cô lấy chồng Tây và từng thử chất gây nghiện. Anh hai được ưu ái hơn trong truyền thống giáo dưỡng phụ hệ thì đồng thời cũng kế thừa bản tính ích kỷ và nhu nhược. Ai trong số ba nhân vật này có thể cứu vãn cơ đồ dòng tộc? Và cũng là cứu vãn thế hệ tiếp theo mà chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm?

Nhã Uyên, từng bị trầm cảm đã viết vai diễn cho chính mình. Cô mang luôn bụng bầu tháng thứ tám vào phim. “Tôi chuẩn bị cả đời cho vai diễn này”, cô nói. “Tôi vẫn thường hay rơi vào trạng thái rối loạn lưỡng cực, lúc quá vui khi quá buồn. Đôi khi thích rút mình trong phòng không tiếp xúc với ai. Tôi không biết rõ vì sao mình bị bệnh- có thể do tôi thường xuyên nghe những lời chỉ trích và gặp thất bại trong công việc, và tôi biết rõ trong xã hội Việt Nam hiện tại, rất nhiều người bị như thế”.

Trong phim, trầm cảm và bạo lực là một bộ đôi cân xứng làm nên xương sống kịch tính cho phim. Qua đó có thể thấy phim bắt bệnh xã hội và tâm thức của người Việt khá chuẩn. Khi người ta vẫn hay mượn bạo lực để đại diện cho mặt đối lập với nó: Yêu cho roi cho vọt. Nhưng người Việt còn có câu: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Dù sao thì sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau giữa các thế hệ trong gia đình là một thực tế hiển nhiên. Và sẽ tốt hơn nếu nó không chỉ được vận hành một chiều từ trên xuống.

Aaron Toronto đã dấn vào thực tế Việt Nam quá sâu để có thể quay trở về làm các bộ phim Mỹ. Đây trở thành một may mắn với điện ảnh Việt vốn trì trệ. Đang rất cần những nhân tố mấu chốt khách quan thức tỉnh và khơi cảm hứng. Ảnh: Gia đình của đạo diễn Aaron Toronto và diễn viên Nhã Uyên ngoài đời

Với kha khá kịch tính và bạo lực dồn nén trong một khung cảnh, có thể nói bộ phim hơi quá tải so với khả năng tiếp nhận trung bình của khán giả Việt. Và không để khán giả bị sốc hơn nữa, đạo diễn đã chọn một cái kết tươi sáng, cho dù hơi vội và có phần “viễn tưởng”. “Tôi muốn khán giả có được sự nhẹ lòng phần nào khi bước ra khỏi rạp, thay vì tâm trạng bị nhấn chìm hoàn toàn bởi bi kịch”, Aaron chia sẻ.

Nhưng chắc chắn một điều, chỉ cần các thành viên trong gia đình cởi mở với nhau đã là một bước tiến dài. Vượt thoát khỏi truyền thống gia đình Việt: trên bảo dưới chỉ có nghe, cấm cãi. Khi gia đình có sự thấu hiểu, khơi thông yêu thương, mọi mâu thuẫn được hóa giải chỉ là vấn đề thời gian.

Sau cùng thì gia đình được phim khắc họa vẫn là một kết cấu đủ vững và đủ bao dung- sự bao dung cả từ thế hệ sau dành cho tiền bối. Và đơn giản, khi nào sự thăng bằng (tương đối) trong gia đình chưa được lập lại thì phim chưa thể kết thúc. Vì thế khi bối cảnh sáng lên, đêm chuyển sang ngày, bàn thờ không còn là điểm tựa duy nhất, mọi việc đâu vào đấy âu cũng hợp quy luật.