> Báo động suy thoái đạo đức trong giới trẻ
> Giáo dục nhân cách cho thanh niên
Đặc biệt, cả hai thanh niên này đều quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội của mình để đạt được mục đích. Điều đó chứng tỏ những kẻ như Luyện, Dưỡng đã không hề run sợ, ngần ngại gì khi phạm tội ác, khi giết người cướp của! Đây thực sự là điều không bình thường trong nhân cách của hai cá thể này. Nhưng hãy quan sát xem!
Không ít người, bao gồm cả thanh niên và người lớn tuổi, cũng không hề mảy may ngần ngại khi vượt đèn đỏ, xả rác, hay làm những điều xấu khác như vu oan giá họa, hãm hại nhau vì lợi ích vị kỷ của mình! Có cái gì đó đang bất ổn trong nhân tâm của xã hội? Đây thực sự là những cảnh báo rất nghiêm trọng đối với xã hội ta nói chung.
Gạt ra một bên hoàn cảnh cụ thể đã dẫn Luyện và Dưỡng đến hành vi phạm tội man rợ đó (chơi games mắc nợ, vay nợ đến kỳ không có tiền trả vv…) chúng ta phải ý thức sâu sắc mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, trong mỗi con người đều tồn tại sẵn cả cái Thiện và cái Ác. Hai mặt đó luôn đấu tranh gay gắt với nhau và cùng tham gia điều chỉnh cách thức hành vi của con người hằng ngày.
Nền tảng nhân cách xã hội và nhân cách cá nhân sẽ khiến cho cái Ác bị kìm chế, bị trấn áp, cái Thiện được khuyến khích, được nuôi dưỡng và thôi thúc, khiến cho con người tránh xa cái Ác, hướng tới cái Thiện và kết quả là làm việc tốt.
Nhưng nếu cái Ác không bị kìm chế và trấn áp, cái Thiện không được khuyến khích thì bất cứ khi nào, bất cứ ai cũng có thể bị cái Ác khống chế và dẫn đến làm việc xấu, phạm tội. Việc này bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, hằng ngày, như vứt rác ra xung quanh, quay cóp bài khi đi học, đua đòi, ăn chơi hay nuôi dưỡng những tham vọng bất chính.
Vì vậy, muốn khuyến Thiện phải trừng Ác, muốn trừng Ác thì phải khuyến Thiện trong giáo dục nhân cách con người, từng ngày, từng giờ, ở tất cả các môi trường.
Thứ hai, rõ ràng là trong môi trường xã hội ta có cái gì đó đang bất ổn, bất ổn nghiêm trọng. Ở đó, cái Ác chưa bị dư luận lên án nghiêm khắc và đủ mạnh mẽ (khi xử Lê Văn Luyện còn có những thanh niên hò hét, cổ vũ tên này! Kẻ đua xe cũng có fans cổ vũ nữa!).
Pháp luật trừng trị cái Ác cũng chưa đủ mạnh. Ở Đức chẳng hạn, người ta có thể phê bình nhau, nhưng hễ động chân, động tay đánh nhau thì bị xử phạt rất nặng. Người ứng xử thô bạo, tấn công người khác phải bồi thường một khoản tiền gọi là “tiền đau đớn” (Schmerzengeld) rất cao.
Còn ở ta, chỉ khi nào gây thương tích, làm tổn hại cho người bị hại từ 11% sức khỏe thì mới có thể bị truy tố, xử phạt! Điều này góp phần làm cho trong ứng xử, người ta, nhất là thanh niên, thiếu tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, dễ có xu hướng sử dụng bạo lực, nắm đấm, để giải quyết xung đột.
Môi trường đó khiến cho nhiều thanh niên không biết kìm chế, vì một cái nhìn “đểu” cũng có thể đánh nhau, thậm chí giết người. Theo tôi, cần phải cải thiện nhanh môi trường ý thức pháp quyền trong xã hội ta.
Thứ ba, trong xã hội ta hiện nay đang thịnh hành lối sống, lối suy nghĩ “chộp giựt”, từ người lớn đến trẻ em đều không được giáo dục một quy tắc tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc cái gì không phải của mình thì không được lấy.
Vì vậy, một số người lạm dụng vị trí của mình tham ô, tham nhũng (chiếm của công), một số người khác thì lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt của người khác (kinh doanh gian dối, lập hụi, giật hụi vv… miễn sao giàu cho nhanh!).
Sống giữa môi trường đó thì một số thanh niên không làm chủ được bản thân rất dễ sa vào các hành vi như của Dưỡng, Luyện để chiếm đoạt những thứ không phải của mình một cách bất chính, bất chấp thủ đoạn. Vì vậy, việc xây dựng một xã hội công dân với ý thức pháp quyền thực sự đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong nghiên cứu về thanh niên, chúng tôi đã cảnh báo về tình trạng lây lan của một số lối sống tiêu cực trong thanh niên, như: hành xử hung bạo, bất chấp pháp luật, vô cảm, thực dụng và ích kỷ. Rất mong qua vụ việc này, dư luận lên án nghiêm khắc hơn nữa cái Ác. Và xã hội, nhà nước, gia đình, nhà trường có những giải pháp kiên quyết hơn, hiệu quả hơn để giáo dục thanh niên hướng Thiện.
Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội
Phương Hiếu ghi
TS tâm lý Nguyễn Kim Quý: Xuống cấp về đạo đức
Kẻ sát nhân xuất phát từ nông thôn, chưa tiền án tiền sự khiến dư luận càng lo lắng hơn, mối nguy hiểm ngày càng nhiều khi cái ác len lỏi đến tận những thanh niên nông thôn. Hậu quả của những vụ giết người cướp của ngày càng tăng với tính chất tội phạm nguy hiểm chứng tỏ sự xuống cấp về đạo đức và bộc lộ nhiều điểm yếu trong công tác giáo dục tại gia đình, trong nhà trường và xã hội.
Khi giáo dục không làm cho tính khuyến thiện trong mỗi con người được nhân lên tức là lúc cái ác len lỏi và chi phối hành động, lối sống, đặc biệt là trong bộ phận giới trẻ. Đó là nguyên nhân tuổi tội phạm ngày càng trẻ và tính chất côn đồ, nghiêm trọng tăng.
Mặt khác, hậu quả từ phim ảnh hành động, game bạo lực trình chiếu tràn lan càng khuyến khích, chi phối bộ phận thanh niên làm theo, giết người không ghê tay như phim ảnh.
Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm: Giáo dục giá trị sống
Theo tôi có 3 vấn đề cần làm rõ để giảm bớt bạo lực trong thanh niên. Thứ nhất, cần phải làm cho thanh niên biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, pháp luật cần xử lý nghiêm minh bằng những hình phạt nặng đủ sức răn đe, cảnh báo người trẻ.
Thứ hai, trong nhà trường hiện nay chỉ dạy học sinh về kỹ năng sống thôi chưa đủ, bởi bài học đó chỉ giúp họ có những chuẩn mực trong ứng xử giao tiếp.
Điều quan trọng, từ bậc mầm non đến bậc đại học cần nhấn mạnh đến các bài học giá trị sống, dạy học sinh biết yêu thương con người, trân trọng giá trị cuộc sống của mọi người. Những bài học này được nhắc đi nhắc lại, đi sâu vào tiềm thức của mỗi bạn trong quá trình trưởng thành.
Thứ ba, dư luận xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành động xấu của người trẻ đồng thời cần xây dựng một xã hội có ứng xử nhân văn để người trẻ có nhận thức đúng đắn, tránh mắc sai lầm.
TS Trịnh Hòa Bình (Viện xã hội học Việt Nam): Bước trượt của hành vi lệch chuẩn
Để giảm bớt hành động lệch chuẩn, để cái ác không len sâu vào người trẻ cần có những giải pháp đồng bộ từ nhà trường đến xã hội, định hướng, giáo dục cho họ ý thức tốt hơn về pháp luật, có bản lĩnh vững, nói không với hành động xấu.
Ở môi trường gia đình, cần giáo dục cho người trẻ những bài học yêu thương, biết quan tâm, chăm sóc người khác và ý thức về trách nhiệm với hành động của mình.
Phương Hiếu - Hải Yến ghi