Nội dung trên được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM nêu lên tại Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn Thực phẩm sáng 15/7.
Bà Phong Lan cho biết, cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 đang bùng phát, nhiều vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra tại khu vực phía Nam. 2 vụ việc có số người ngộ độc nhiều nhất được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với hàng chục trường hợp ngộ độc, trong đó có 7 người tử vong.
Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó các nạn nhân đều mua rượu không rõ nguồn gốc về uống, sau đó xảy ra ngộ độc. Các kết quả xét nghiệm ghi nhận, nồng độ Methanol trong máu của bệnh nhân tăng cao. Thực tế trên cho thấy, các bệnh nhân đã bị ngộ độc do sử dụng rượu pha chế từ cồn công nghiệp.
Mới đây nhất, ngày 11/7, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân K.V (52 tuổi, ngụ tại TPHCM) được người dân đưa vào bệnh viện sau khi uống rượu và ngất xỉu ngoài đường. Qua khai thác bệnh sử và thực hiện xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc Methanol.
Từ thực tế trên, bà Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo, rượu pha chế từ cồn công nghiệp trước đây chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc nhưng hiện nay đang xâm nhập vào các tỉnh phía Nam. Methanol là cồn công nghiệp, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm.
Để tránh ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng, Ban quản lý An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành.