Cẩn trọng với khối u sờ thấy mạch đập theo nhịp tim

Ông Tân phát hiện khối phình to ở mặt trong đùi phải gây đau nhức, sờ vào chỗ u thấy có mạch đập theo nhịp tim.  
Sau ca phẫu thuật, nguy cơ của bệnh nhân đã được loại bỏ, sức khỏe dần hồi phục, cảm giác đau nhức giảm rõ rệt. Ảnh: Thi Ngoan.

Bệnh nhân Lê Văn Tân, 58 tuổi, quê Đồng Nai, cho biết khoảng nửa năm trở lại đây bắt đầu có cảm giác đau nhức ở chân phải. Ông dùng cây thuốc dân gian để đắp, bệnh không khỏi mà nặng thêm. Khi đùi phải xuất hiện một khối phình lớn, sờ vào thấy có mạch đập theo nhịp tim, cảm giác đau nhức ngày càng gia tăng, ông mới đến bệnh viện.

Sau khi khám và chụp hình mạch máu, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị phình động mạch chậu - đùi bên phải. Túi phình kích thước to hơn 8 lần so với bình thường, nếu không điều trị ngay có nguy cơ vỡ ra gây chảy máu ồ ạt. Mặt khác, trong lòng túi phình chứa rất nhiều mảng xơ vữa và huyết khối có thể bong ra, trôi xuống các mạch máu ở cẳng chân gây tắc mạch cấp, hoại tử chân.

Bác sĩ Lê Quang Đình, Chuyên khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, giải thích: Trong cơ thể con người, động mạch có nhiệm vụ dẫn máu giàu chất dinh dưỡng từ tim đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Mỗi động mạch có kích thước khác nhau tùy theo vị trí.

Trong trường hợp bệnh lý, thành động mạch phình ra, yếu đi, tại vị trí phình thường lắng đọng nhiều chất xơ vữa, huyết khối, mỡ... Túi phình tăng kích thước đến một mức nào đó sẽ vỡ ra, dẫn đến chảy máu ồ ạt, có thể gây tử vong. Thêm vào đó, các chất tích tụ trong mảng xơ vữa ở lòng mạch có thể bong ra và trôi đi gây tắc động mạch tại các vị trí khác.

Phình động mạch thường gặp ở động mạch chủ, động mạch chậu. Một số vị trí ít gặp hơn là động mạch khoeo, động mạch cảnh, động mạch dưới đòn... Phương pháp điều trị kinh điển là cắt bỏ túi phình, dùng đoạn tĩnh mạch tự thân hoặc mạch máu nhân tạo để nối ghép, tái thông mạch máu.

Hiện nay phương pháp đặt stent phủ nội mạch có thể được áp dụng trong điều trị phình động mạch, kể cả động mạch ngoại biên. Nguyên tắc một ống ghép mạch máu nhân tạo vào lòng túi phình, tại đây, ống ghép sẽ được bung ra che phủ chỗ yếu của thành động mạch từ bên trong. Theo đó, máu sẽ lưu thông qua ống ghép mạch máu nhân tạo mà không tiếp xúc lên chỗ thành động mạch bị phình. Nhờ vậy, nguy cơ vỡ túi phình sẽ giảm xuống rất thấp.

Theo Bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, phình động mạch chậu thường gặp trong bệnh lý phình động mạch. Riêng trường hợp túi phình to lan rộng từ động mạch chậu đến động mạch đùi như bệnh cảnh của ông Lê Văn Tân là hiếm gặp.

Bệnh này khó nhận biết khi ở giai đoạn sớm, thường được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe thường quy, khi sờ thấy khối phình đập theo nhịp tim hoặc khi túi phình đã vỡ gây chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng. Một số trường hợp khác, phình động mạch được phát hiện khi người bệnh đi khám vì triệu chứng đau chân hay thiếu máu chi dưới do huyết khối gây tắc mạch.

Bác sĩ Phong lưu ý, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị trước khi túi phình động mạch bị vỡ là rất quan trọng. Do đó mọi người nên chủ động đi khám khi cơ thể xuất hiện những khối phồng đập theo nhịp tim. Những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, lớn tuổi, hút thuốc lá, mắc bệnh về mô liên kết, có người thân trực hệ mắc bệnh phình động mạch nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, siêu âm bụng và mạch máu để phát hiện bệnh sớm (nếu có).

Theo Theo Vnexpress