Cần Thơ xin giảm 1.450 tỷ đồng vốn vay do chậm giải ngân đầu tư công

TPO - Tính đến hết quý III/2022, Cần Thơ đã giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng, đạt 41%, chậm so với tiến độ đặt ra. Thành phố có 2 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin điều chỉnh vốn, trong đó xin giảm 1.450 tỷ đồng (vốn vay).

Chiều 6/10, tại cuộc họp báo chí quý III của UBND TP. Cần Thơ, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, phải điều chỉnh hiệp định vay vốn nguy cơ gây lãng phí.

Đại diện báo Tiền Phong đặt câu hỏi tại buổi họp báo quý III/2022.

Trả lời vấn đề này, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực TP. Cần Thơ, cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua đều đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tăng hơn 17%, cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, chỉ còn 1 nhiệm vụ mà thành phố lo lắng, quan tâm đó là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

“Đến nay, thành phố mới giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41%. Theo tiến độ đề ra, hết quý III/2022 tỷ lệ giải ngân phải đạt 75%. Nhưng đã hết 3/4 chặng đường của năm, tỷ lệ giải ngân của thành phố chậm so với tiến độ", ông Hiển nói.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực TP. Cần Thơ, thông tin một số vấn đề tại buổi họp báo.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ đưa ra 4 giải pháp.

Thứ nhất, quyết liệt tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc. Thành phố đã thành lập 4 tổ công tác do 4 phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn để đi kiểm tra để giải quyết khó khăn, đưa giải pháp khắc phục, lộ trình giải quyết theo từng tuần chứ không nêu chung chung. Đến nay, một số quận, huyện đã giải ngân khá cao, có quận đã giải ngân được trên 82%.

Thứ hai, chuyển nguồn vốn từ dự án chưa làm, làm chậm sang dự án khác đang làm tốt, cần vốn.
Thứ ba, cho khởi công dự án mới đủ điều kiện (để tiêu lượng vốn còn tồn).

Thứ tư là xin Trung ương điều chỉnh vốn. Cụ thể, thành phố có 2 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin điều chỉnh vốn, trong đó xin giảm 1.450 tỷ đồng (vốn vay) và 800 tỷ đồng nguồn ghi thu - ghi chi do một số dự án sử dụng vốn vay ODA vướng thủ tục đầu tư, chuyển nguồn sang năm sau.

Theo ông Hiển, với những giải pháp trên, nếu làm nghiêm túc thì cuối năm nay thành phố sẽ đạt chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra là giải ngân đạt 95%.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ chậm tiến độ. Ảnh: Nhật Huy.

Liên quan dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng chậm tiến độ mà Tiền Phong đã phản ánh, lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho biết, do hiệp định vay của dự án hết hạn 11/7/2022. Hiện, chủ đầu tư dự án đang làm việc với các liên doanh nhà thầu để tiến hành các thủ tục có liên quan trình Bộ Tài chính để đàm phán và ký kết hiệp định vay mới.

“Ngày 21/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc điều chỉnh chủ trương dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ. Theo đó, thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2026. Ngày 8/8/2022, UBND TP. Cần Thơ có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2026", lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ thông tin.