- BHXH tự nguyện là chính sách mới, ưu việt hướng tới người lao động trong khu vực phi chính thức, nhưng hơn 10 năm thực hiện số người tham gia vẫn còn hạn chế, theo ông đâu là nguyên nhân?
Đi giám sát nhiều địa phương thấy BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người dân. Nhiều người vẫn so sánh BHXH bắt buộc có 5 chế độ (3 chế độ ngắn hạn và 2 chế độ dài hạn), nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Dù so sánh này có sự khập khiễng, khi người dân cũng chưa hiểu hết để được hưởng 2 hay 5 chế độ là do người lao động đóng góp để tham gia vào các chế độ đó, đóng nhiều chế độ thì được hưởng nhiều chế độ. Tuy nhiên, thắc mắc đó cũng không phải không có lý.
Khi thiết kế Luật BHXH, tôi không nghĩ Chính phủ chỉ hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác tham gia BHXH tự nguyện. Tôi đã đề nghị mở rộng BHXH tự nguyện phải thông qua “kích cầu” của Nhà nước, đầu tiên hỗ trợ cao để mở rộng diện tham gia, sau đó mới thu hẹp dần mức hỗ trợ. Chúng ta chi trước hỗ trợ cho người dân thì sau này khi người dân đến tuổi 80, Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ mức 270.000 đồng/tháng như hiện nay - đây là bài toán rất đầy đủ nhưng chúng ta chưa tính toán hết.
Bên cạnh đó, người dân hoàn toàn chưa hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, đóng 22% ở mức chuẩn hộ nghèo là 700.000 đồng (tức 154.000 đồng/tháng), khi đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được mức 400.000 đồng/tháng. Ngoài ra, khi lương hưu tăng cũng được tăng theo, được hỗ trợ miễn phí BHYT. Cùng với đó, chúng ta cũng phải kết hợp tuyên truyền sâu rộng, tới từng người dân, cùng với cải cách thủ tục hành chính để người tham gia BHXH tự nguyện tiện lợi hơn…
- Như ông nói, đang có sự so sánh giữa BHXH tự nguyện và bắt buộc, vậy chúng ta cần sửa đổi ra sao, thưa ông?
Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện rất cần nâng mức hỗ trợ để “kích cầu”, theo tôi Nhà nước cần cần hỗ trợ 50% mức đóng. Với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ cao hơn mức đó. Mức hỗ trợ này để ngay từ đầu tạo sự bao phủ BHXH tự nguyện trên diện rộng, sau đó mới điều chỉnh giảm dần. Nếu không làm như vậy thì mục tiêu BHXH tự nguyện của Nghị quyết 28 khó đạt được. Chúng ta lấy bài học từ chính sách BHYT, ban đầu hỗ trợ thấp nên rất ít người tham gia, sau đó “nới lỏng”, nên tới nay đã gần 90% dân số tham gia BHYT. Chúng ta cũng có thể “nhập” BHYT tự nguyện với BHXH tự nguyện, để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện đương nhiên sẽ có BHYT.
Tôi đánh giá cao BHXH Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm, đang có cách làm rất xứng đáng. BHXH Việt Nam đã thay đổi, chuyển biến nhận thức rất rõ; các đồng chí lãnh đạo Ngành đều chỉ đạo quyết liệt; đi giám sát thấy người dân bắt đầu hiểu rõ chính sách và khen thái độ làm việc của cán bộ BHXH.
Tuy nhiên, cùng với đó, chính quyền địa phương phải giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho các đơn vị, các xã, phường nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trên cơ sở đó, phải tổ chức triển khai thực hiện, các cơ quan dân cử giám sát đánh giá tác động, tổng kết và rút ra bài học xử lý vấn đề mở rộng đối tượng. BHXH là vì mục tiêu an sinh xã hội, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ ta. Trung ương có Nghị quyết, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt nên các địa phương phải vào cuộc. Đồng thời, Mặt trật Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải tuyên truyền cho chính thành viên của mình tham gia BHXH trước, từ đó vận động người khác cùng tham gia.
Vấn đề hết sức quan trọng là chúng ta phải linh hoạt thực hiện để người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hấp dẫn. Đơn cử giờ tôi gần hết điều kiện về tuổi đóng BHXH, không đủ điều kiện đóng 20 năm để nghỉ hưu thì phải cho đóng trước hoặc sau 5 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
- Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Tôi cũng mong các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm nên thực hiện tặng sổ BHXH bên cạnh việc tặng các khoản tiền, gói quà… rồi sau đó người dân được tặng sổ tự đóng thêm cho sau này hưởng lương hưu. Làm như vậy sẽ tạo ra phong trào để người dân tham gia BHXH tích cực hơn.